(HNM) - Đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản thực phẩm, nhưng tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là thiếu bền vững bởi xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện chỉ có 5% nông sản xuất khẩu của Việt Nam đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Số còn lại chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất. Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, hạn chế lớn của nông sản Việt Nam nằm ở bài toán chất lượng và thương hiệu. Bởi chất lượng chưa đạt, thương hiệu chưa có thì nông sản nước ta không thể xuất khẩu tới thị trường lớn theo đường chính ngạch. Để nông nghiệp phát triển bền vững người sản xuất cần thay đổi tư duy, sản xuất định hướng, theo nhu cầu và đáp ứng được những tiêu chuẩn do thị trường đó đưa ra.
Thực tế, nhiều năm qua, nông sản Việt gặp nhiều rủi ro bởi xuất khẩu tiểu ngạch, điển hình là thị trường Trung Quốc. Chỉ cần mỗi lần phía thị trường này ngừng nhập khẩu, nông sản nước ta lại rơi vào tình trạng “được mùa - mất giá”, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cũng như nông dân. Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Long An) Võ Quan Huy chia sẻ: "Huy Long An là một trong những doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu trực tiếp, chính ngạch sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Để xuất khẩu chính ngạch sang 2 thị trường khó tính này, hơn 200ha chuối của doanh nghiệp ngoài việc đạt tiêu chí VietGAP, còn phải đáp ứng thêm 200 tiêu chí khắt khe của doanh nghiệp Nhật Bản và 170 tiêu chí của Hàn Quốc về các điều kiện như: Đất, nước, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và phải ghi chép nhật ký hằng ngày... Mỗi năm, công ty xuất khẩu sang thị trường này với tổng giá trị hàng triệu USD".
Theo ông Phạm Việt Anh, đại diện tổ chức GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) tại Việt Nam, để có những hợp đồng xuất khẩu chính ngạch, nông sản Việt phải đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất sạch như VietGAP hay cao hơn là GlobalGAP. Muốn đáp ứng các tiêu chuẩn này, nông dân cần thông qua các hợp tác xã, các doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng... Có như vậy, nông sản mới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp và người sản xuất rất cần thông tin về yêu cầu từ phía thị trường nhập khẩu. Bởi, một số thị trường, các tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật thường xuyên thay đổi, nhưng doanh nghiệp trong nước lại thiếu kênh thông tin để cập nhật dẫn đến tình trạng bị động, hàng hóa bị trả lại, không ổn định. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có kênh thông tin chính thức giúp doanh nghiệp, hợp tác xã cập nhật thường xuyên nhu cầu, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, qua đó, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Hiện nay xuất khẩu theo chính ngạch là lựa chọn đúng đắn, hướng đi tích cực, tạo hiệu quả tốt cho nông sản trong bối cảnh hội nhập. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Để đạt các hợp đồng chính ngạch, nông dân, doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức... xây dựng kênh thông tin cụ thể, kịp thời về lĩnh vực này cho hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân tham khảo, từ đó chủ động trong sản xuất, bảo quản, chế biến nhằm đạt yêu cầu xuất khẩu chính ngạch tại thị trường thế giới".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.