Có lợi thế gần Thủ đô Hà Nội, du lịch Bắc Giang nhiều năm nay có sự đổi mới với nhiều sản phẩm hấp dẫn, trong đó nổi bật là du lịch văn hoá, tâm linh. Để đẩy mạnh liên kết du lịch vùng, đặc biệt là tuyến du lịch kết nối với Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Bắc Giang vào chiều 11-4 tại Hà Nội.
Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên; liền kề với “Tam giác kinh tế phát triển” Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là điều kiện thuận lợi cho Bắc Giang giao lưu phát triển kinh tế xã hội với các tỉnh, thành phố.
Thuộc vùng đất Kinh Bắc xưa, Bắc Giang còn lưu giữ những giá trị truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên độc đáo, đó là nguồn tài nguyên quan trọng, tạo tiền đề để phát triển du lịch. Hiện nay, hệ thống về di sản văn hóa Bắc Giang được trải khắp 10 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 2.237 di tích, trong đó có 759 di tích được xếp hạng các cấp. Một số các di tích có giá trị tiêu biểu đang trở thành những điểm đến tinh hoa của tỉnh như: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, Địa điểm chiến thắng Xương Giang; những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, An toàn Khu II, Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục. Đặc, Bắc Giang còn có 5 di sản thế giới gồm: Di sản văn hoá phi vật thể dân ca quan họ, ca trù, Thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt; thực hành Then của người Tày – Nùng – Thái; mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản Tư liệu ký ức thế giới, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương)…
Bắc Giang được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh quan đẹp có giá trị về tài nguyên sinh du lịch sinh thái như: Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, suối nước vàng, thác Ba Tia; Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Bên cạnh đó, Bắc Giang còn có vùng cây ăn quả rộng lớn tại thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên với 4 mùa hoa trái xanh tươi, nơi đây đang trở thành vựa trái cây lớn nhất khu vực Miền Bắc…Bắc Giang còn là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống và đặc sản, sản vật nổi tiếng như: Vải thiều Lục Ngạn, Mỳ Chũ, Bánh đa Kế, Rượu Làng Vân…
Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa cho biết, Bắc Giang đang xây dựng phát triển 4 loại hình sản phẩm du lịch chủ lực, gồm: Du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Tỉnh Bắc Giang đưa ra định hướng phát triển 5 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch Tây Yên Tử; không gian du lịch gắn với Khởi nghĩa Yên Thế; không gian dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí; không gian du lịch sinh thái nông nghiệp; không gian văn hóa quan họ. “Từ định hướng đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh, có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa trở thành khu du lịch quốc gia. Đồng thời, xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Phấn đấu đến năm 2025 đón được ít nhất 3 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 3 nghìn tỷ đồng”, ông Đỗ Tuấn Khoa cho biết.
Đóng góp các giải pháp cho du lịch Bắc Giang phát triển, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ cho rằng, Bắc Giang là địa phương có nhiều di tích, cảnh quan đẹp, có tiềm năng để phát triển các chuỗi du lịch. Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang cần quan tâm nhiều hơn đến việc liên kết du lịch với các địa phương, đặc biệt là liên kết du lịch với Thủ đô Hà Nội.
“Vấn đề quan trọng là làm sao để khách từ Hà Nội đến Bắc Giang có thể trải nghiệm lâu hơn. Muốn làm được điều đó, Bắc Giang phải có quy hoạch về lưu trú, phát triển được nét độc đáo của ẩm thực. Về sản phẩm du lịch, Bắc Giang nên xây dựng các tuyến du lịch tâm linh đặc thù và sản phẩm du lịch xanh hướng du khách trải nghiệm thiên nhiên, cộng đồng. Ngoài ra, Bắc Giang cần quan tâm đến công tác truyền thông, quảng bá hiệu quả”, ông Phạm Văn Thuỷ lưu ý.
Tại hội nghị, các đơn vị lữ hành, đại biểu đã có nhiều đóng góp hữu hiệu cho du lịch Bắc Giang với kỳ vọng đây sẽ là một trong những điểm đến nổi bật của vùng trung du miền núi phía Bắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.