Quy hoạch

Cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân:Dành không gian xanh cho hoạt động công cộng

Bảo Hân 11/04/2025 - 17:09

Mục tiêu của việc lập quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân là xây dựng lại theo hướng tăng tầng cao công trình và hệ số sử dụng đất, giảm mật độ xây dựng để dành không gian trống, không gian xanh cho hoạt động công cộng

toan-canh.jpg
Toàn cảnh khu tập thể Nghĩa Tân. Ảnh: Trung Nguyên

Lập phương án cải tạo tối ưu

Về hiện trạng khu tập thể Nghĩa Tân, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Đình Cường cho biết, đây là một trong những khu chung cư cũ được xây dựng từ lâu. Trước đây, khu tập thể đáp ứng phần nào về nhu cầu nhà ở của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, đến nay, 29 toà nhà thuộc các khu A, B, C và K có chiều cao 5 tầng, xen kẽ các khối nhà thấp tầng hơn đã xuống cấp.

“Do công tác quản lý và các điều kiện khách quan, nhiều diện tích đã bị cơi nới, lấn chiếm, ảnh hưởng đến kết cấu an toàn công trình, môi trường sống và mỹ quan đô thị, gây quá tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho khu vực”, ông Cường nêu.

Việc nghiên cứu lập Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, tỷ lệ 1/500 là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng và quản lý đô thị theo quy hoạch. Hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch do UBND quận Cầu Giấy lập, đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thẩm định và Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thành phố Hà Nội góp ý kiến. UBND thành phố Hà Nội đã xem xét và phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 6742/QĐ-UBND ngày 30-12-2024.

Ngày 10-4, UBND quận Cầu Giấy đã tổ chức hội nghị công bố công khai và bàn giao hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân, tỷ lệ 1/500 theo Quyết định số 6742/QĐ-UBND.

nghia-tan-coi-noi.jpg
Phần lớn các hộ đã cơi nới, gia tăng diện tích sử dụng. Ảnh: Trung Nguyên

Ngay sau đó, UBND quận Cầu Giấy sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan khảo sát thực trạng, căn cứ các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành và định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn năm 2065, để nghiên cứu, đưa ra phương án thiết kế tối ưu, tái cấu trúc để tăng các chỉ tiêu về đất hạ tầng đô thị như giao thông công cộng, công trình hạ tầng xã hội, trường học, quảng trường, công viên cây xanh, mặt nước, trục giao thông kết nối phục vụ nhu cầu không gian sinh hoạt cộng đồng.

Đồng thời tái cấu trúc xây dựng trục phát triển các công trình dịch vụ thương mại, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư theo mô hình TOD dọc theo tuyến đường sắt đô thị ngầm có trong khu vực nghiên cứu.

Tại góc ngã tư giữa đường Nguyễn Phong Sắc và Hoàng Quốc Việt sẽ có ga ngầm khu đô thị nên nội dung này sẽ đưa vào quy hoạch chi tiết trong quá trình cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân.

"Mục tiêu của việc lập Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân là vì người dân. Quận sẽ giao UBND phường Nghĩa Tân thành lập tổ công tác với thành viên là các cư dân trong khu tập thể để tham gia đóng góp ý kiến, đảm bảo quyền lợi tối đa của người dân”, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy nêu thêm.

Dành không gian trống, không gian xanh cho hoạt động công cộng

Theo KTS Lã Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch kiến trúc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tỷ lệ 1/500, tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết khoảng 31,66 ha.

Về quy mô dân số, theo quy hoạch phân khu H2-1 tỷ lệ 1/2000 được thành phố phê duyệt, ô đất lập quy hoạch là ký hiệu R2, có tổng dân số là 14.630 người.

Theo đánh giá hiện trạng của UBND quận Cầu Giấy và phường Nghĩa Tân, dân số hiện trạng năm 2024 là 13.072 người. Tuy nhiên, quy mô dân số sẽ được xác định chính xác trong quá trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng dân số thực tế tại các nhà chung cư cũ cải tạo xây dựng lại và các nhà ở hiện có.

Với đất ở đô thị, quy hoạch dự kiến xây dựng tòa nhà có mật độ xây dựng tối đa 50%, tầng cao tối đa 40 tầng nổi. Đối với đất hỗn hợp, mật độ xây dựng tối đa 70%, tầng cao tối đa là 55 tầng nổi.

nghia-tan-2.jpg
Việc cải tạo khu tập thể Nghĩa Tân theo hướng tăng chiều cao và hệ số sử dụng đất nhằm tạo không gian trống phục vụ cho các hoạt động công cộng. Ảnh Trung Nguyên

Mục tiêu cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân lần này theo hướng tăng tầng cao công trình và hệ số sử dụng đất, giảm mật độ xây dựng để giải phóng không gian, dành không gian trống, không gian xanh cho hoạt động công cộng, bảo đảm yêu cầu về môi trường sống tốt hơn. Đặc biệt, việc lập quy hoạch sẽ bổ sung công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cây xanh, tầng hầm để bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, cải thiện nâng cao chất lượng và điều kiện nhà ở.

"Nguyên tắc cải tạo là bảo đảm tất cả chỉ tiêu quy hoạch trong đồ án phải tốt hơn điều kiện hiện trạng, không có chỉ tiêu nào thấp hơn. Đặc biệt, đồ án quy hoạch sẽ ổn định lại vị trí chức năng và quy mô của khu vực, bảo đảm hạ tầng đô thị cho một đơn vị ở", KTS Lã Hồng Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Sơn cũng cho hay, về tính chất, việc cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân thành các khu đô thị văn minh hiện đại theo mô hình định hướng giao thông TOD. Đây là khu vực gần đầu mối giao thông nên điều kiện rất tốt, tạo thuận lợi trong cuộc sống của người dân.

Trong quy hoạch cải tạo khu tập thể, các cơ chế chính sách áp dụng như trong tổng thể chung các khu chung cư trên địa bàn. Thành phố đã và đang xây dựng cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cải tạo khu tập thể cũ, bảo đảm hài hoà lợi ích người dân và doanh nghiệp.

Về mốc thời gian, theo quyết định của UBND thành phố, từ nay đến giữa tháng 6-2025, UBND quận Cầu Giấy cùng đơn vị tư vấn phải hoàn thành đồ án quy hoạch chi tiết để lấy ý kiến người dân cùng các tổ chức, cá nhân có liên quan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân: Dành không gian xanh cho hoạt động công cộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.