Nông nghiệp

"Bức tranh sáng" xuất khẩu nông sản

Đỗ Minh 19/03/2024 - 06:49

Trong hơn 2 tháng đầu năm 2024, hầu hết các nhóm hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng mạnh, có mặt hàng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Nông sản đang là “bức tranh sáng” trong tổng thể hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam những tháng đầu năm nay, với nhiều điểm đột phá. Các chuyên gia nhận định, với "cánh cửa" mở rộng tại nhiều thị trường, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2024 hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 55 tỷ USD.

nong-san.jpg
Chế biến trái cây xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: Đức Thụy

Giá trị xuất khẩu tăng hơn 50%

Theo Bộ NN&PTNT, 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói, hầu hết các mặt hàng nông, lâm sản đều ghi nhận chiều hướng gia tăng giá trị xuất khẩu. Điển hình là nhóm nông sản chính, như gạo, rau, quả, cà phê… đạt 5,18 tỷ USD, tăng 55,7%. Đặc biệt, nếu như năm 2023, nhóm hàng lâm sản, thủy sản xuất khẩu giảm sâu, thì ngay những tháng đầu năm đã ghi nhận sự phục hồi mạnh. Trong 2 tháng đầu năm nay, nhóm hàng lâm sản đã thu về 2,9 tỷ USD, tăng 59,7% và nhóm hàng thủy sản là 1,37 tỷ USD, tăng 28,9%.

Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Chánh Phương cho rằng, năm 2023 là năm khó khăn đối với ngành gỗ và lâm sản. Nhu cầu của hầu hết các thị trường nhập khẩu đều giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động. Thế nhưng, sự hồi phục của thị trường những tháng đầu năm 2024 đang giúp ngành này kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 17 tỷ USD trong năm nay. Hiện tại, các doanh nghiệp đã có những đơn hàng xuất khẩu đến tháng 4 và tháng 5-2024.

Cùng với gỗ và lâm sản, mặt hàng rau, quả tiếp tục là “tâm điểm” của nông sản Việt Nam. Liên tiếp các đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm đến nay đã giúp mặt hàng này thu về hơn 815 triệu USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, rau, quả là mặt hàng tăng mạnh của nông sản Việt Nam trong năm 2024. Mặt hàng này đang có mặt ở hầu hết các thị trường lớn, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu… Đáng chú ý, chất lượng, mẫu mã, chủng loại rau quả Việt Nam được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng và đánh giá cao.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm với 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch, gồm: Sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây. Trung Quốc đang gia tăng nhập khẩu các sản phẩm rau, quả chế biến từ Việt Nam. Trong đó, sầu riêng được đánh giá là thế mạnh, với 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Siết chặt quản lý chất lượng

Đánh giá chung về bức tranh xuất khẩu nông sản những tháng đầu năm 2024, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đây là thời điểm “vàng” của nông lâm sản Việt Nam, khi được thị trường thế giới đón nhận, công nhận… Ngoài ra, nhu cầu nông lâm sản, thực phẩm dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2024 do biến động chính trị, tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, thuận lợi nhiều, song khó khăn, thách thức cũng không ít. Điều đáng lưu tâm nhất hiện nay là vấn đề chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tình hình vi phạm kiểm dịch thực vật trên cây ăn trái xuất khẩu trong thời gian qua là đáng báo động. Việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bảo đảm chất lượng và đặc biệt là duy trì điều kiện để đáp ứng theo các nghị định thư, cũng như các văn bản khác đang bị doanh nghiệp buông lỏng.

Từ năm 2021 đến cuối năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã nhận được 4 đợt thông báo từ phía Trung Quốc về các lô hàng không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật hàng xuất khẩu, gồm: Chuối, mít, thanh long, sầu riêng, chôm chôm, ớt. Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật còn nhận được 107 cảnh báo về các lô hàng thực phẩm của nước ta xuất khẩu sang một số thị trường, như: Liên minh châu Âu, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) nhưng sau đó bị trả về, do không đáp ứng yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tương tự, các mặt hàng hạt điều, gỗ và lâm sản, thủy sản… cũng nhận được những cảnh báo từ một số thị trường.

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Cục đang cùng với các địa phương, doanh nghiệp siết chặt quản lý trong việc cấp và duy trì mã vùng trồng. Hiện tại, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp, tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu chính, như xoài, thanh long, nhãn, lúa gạo, sầu riêng.

“Thời gian tới, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an và Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ trong thanh tra, điều tra, xử lý các vi phạm về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững”, ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Bức tranh sáng" xuất khẩu nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.