Nông nghiệp

Số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp:Tăng hiệu quả, giảm rủi ro

Ngọc Quỳnh 09/04/2025 - 07:05

Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn cả nước đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học, bigdata…

Việc này giúp các ngành chức năng phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng, chất lượng cây trồng; nông dân có kế hoạch chính xác hơn trong sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian canh tác và thu hoạch, hạn chế ảnh hưởng bởi thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu...

thanh-oai.jpg
Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Quang

Đưa công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp đã và đang giúp giảm chi phí, công lao động, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong nước.

Tại nhiều cơ sở sản xuất, người nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi quy trình chăm sóc, theo dõi, quản lý cây trồng, vật nuôi bằng công nghệ thông tin với máy tính, điện thoại thông minh. Những ứng dụng này giúp giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng khoảng 30% năng suất, từ đó mang lại thu nhập cao hơn.

Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp thủy sản giảm từ 7% đến 25% chi phí. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm từ khâu nuôi trồng đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ…

Tại Hà Nội, hiện có hơn 900ha diện tích trồng trọt được người nông dân áp dụng công nghệ số. Theo chia sẻ của ông Ngô Minh Trưởng ở xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai), từ năm 2019 đến nay, trên diện tích 1.500m2, gia đình ông đưa công nghệ số vào quy trình trồng lan, gồm: Quan trắc độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, quản lý sinh trưởng... Từ đây, gia đình ông có thể chủ động kế hoạch sản xuất để có hoa thu hoạch quanh năm hay điều khiển hệ thống tưới, bảo đảm dinh dưỡng cho cây trồng, tiết kiệm phân bón và nhân công...

Sau sản xuất, thay vì phụ thuộc thương lái, chuyển đổi số giúp nông dân đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, kênh thương mại điện tử, mạng xã hội... Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Đức Thịnh cho biết, đến nay đã có hơn 600 hợp tác xã nông nghiệp tham gia sàn giao dịch sanocop.vn, kết nối xuất khẩu tới các thị trường: Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc… Qua đó, hàng trăm mặt hàng nông sản của Việt Nam được chào bán trên những sàn thương mại điện tử có uy tín, đem lại doanh thu cao.

Trong lĩnh vực này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian qua, Hà Nội có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đưa nông lâm thủy sản lên các nền tảng thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường, thu hẹp khoảng cách với người tiêu dùng. Năm 2024, số lượng nông sản giao dịch trên các sàn thương mại điện tử tăng 30% so với năm trước. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội đã triển khai, ứng dụng marketing số để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu thông qua mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo…), website, ứng dụng di động, qua đó tăng cường nhận diện, thu hút khách hàng từ nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Đồng bộ công cụ chuyển đổi số

Bên cạnh kết quả khả quan, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp hiện nay còn khó khăn do cơ sở hạ tầng số chưa hiệu quả, nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế…

Theo Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh, vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn mới mẻ, chưa có quy chuẩn, quy định cụ thể nên người dân còn lúng túng. Việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản như áp dụng IoT, cảm biến trong tối ưu hóa hoạt động sản xuất chưa nhiều… do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán. Chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đòi hỏi đầu tư nguồn lực lớn, lâu dài mà còn cần nỗ lực của tất cả chủ thể trong chuỗi giá trị. Chuyển đổi số một cách đồng bộ, đáp ứng năng lực, nhu cầu của các chủ thể đang là thách thức không nhỏ…

Để công nghệ thực sự là “chìa khóa” cho nông nghiệp phát triển bền vững, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám cho rằng, các ngành chức năng cần đồng bộ công cụ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ hợp tác xã sản xuất sản phẩm chủ lực, OCOP lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, bán hàng qua các website, mạng xã hội…

Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, các địa phương cần đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ số của nông dân. Chương trình đào tạo cần bài bản, dễ tiếp cận, lồng ghép nội dung ứng dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý trang trại thông minh và thương mại điện tử; tiếp tục duy trì, phát triển các kênh tương tác trực tuyến về thực hiện thủ tục hành chính; kết nối thông tin về quy định, chính sách pháp luật về tiêu thụ nông lâm thủy sản an toàn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp: Tăng hiệu quả, giảm rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.