Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thực hiện khung năng lực số và giáo dục kỹ năng số cho giáo viên, học sinh.
Ngày 11-4, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc họp về triển khai năng lực số đối với học sinh và giáo viên.
Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thực hiện khung năng lực số và giáo dục kỹ năng số theo Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài, thời gian qua, Vụ đã triển khai một số công việc bước đầu, với tinh thần đưa các nội dung thích hợp vào chương trình học theo hướng tích hợp hoặc tăng cường, đặc biệt là không làm xáo trộn các môn học và đủ căn cứ pháp lý để các nhà trường dễ triển khai.
Vụ Giáo dục phổ thông đã phân tích chương trình môn tin học và các môn học khác để xác định mức độ, yêu cầu cần đạt về năng lực số theo khung năng lực số quy định; xây dựng bảng mô tả chi tiết mức độ, yêu cầu cần đạt về năng lực số các cấp học.
Vụ Giáo dục phổ thông cũng phân tích, rà soát chương trình ở từng cấp học, lớp học, môn học/hoạt động giáo dục để tìm ra các địa chỉ nơi có thể phát triển năng lực số cho học sinh; chuẩn bị xây dựng một số nội dung dạy học mới chưa có trong chương trình.
Đồng thời, Vụ cũng xây dựng dự thảo công văn hướng dẫn triển khai thí điểm khung năng lực số; xây dựng dự thảo quyết định thành lập ban soạn thảo, hội đồng thẩm định tài liệu tập huấn giáo viên giáo dục kỹ năng công dân số; tập huấn giáo viên cốt cán cho các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo văn bản triển khai khung năng lực số cho học sinh và giáo viên là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh phong trào "Bình dân học vụ số" đang được phát động trên cả nước.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, dự thảo cần đưa ra những nội dung, tiêu chí cụ thể về khung năng lực số cho từng đối tượng học sinh ở các cấp học, khi áp dụng phải phù hợp với thực tế ở mỗi địa phương, nhà trường. Quá trình xây dựng văn bản phải thận trọng, kỹ lưỡng nhưng cũng không quá cầu toàn, nhận diện được những thách thức sẽ phải đối mặt.
Việc tổ chức tập huấn kỹ năng số cho giáo viên cần được triển khai chặt chẽ, hiệu quả; xác định hình thức, nội dung tập huấn phù hợp để không gây ra những xáo trộn lớn về chương trình…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.