Thị trường Trung Quốc đang yêu cầu nâng cao chất lượng, mã số vùng trồng, quy trình chăm sóc thu hoạch phải đảm bảo an toàn thực phẩm - đây là điểm khó đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân…
Ngày 6-8, Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai phối hợp với Công ty TNHH tư vấn Khoa học và Công nghệ SUTECH tổ chức hội thảo hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc.
Khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai Nguyễn Quang Vĩnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu tỉnh Lào Cai đạt 1,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 600 triệu USD với nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm chiếm vai trò chủ đạo.
Đến thời điểm này, quế và sản phẩm từ quế của địa phương cơ bản được xuất khẩu, trong đó, Trung Quốc chiếm gần 100% thị trường xuất khẩu tinh dầu quế của Lào Cai; bên cạnh đó là các sản phẩm khác như dược liệu, thảo quả, sa nhân, chè, chuối.
Thị trường Trung Quốc đang yêu cầu nâng cao chất lượng, mã số vùng trồng, quy trình chăm sóc thu hoạch phải đảm bảo an toàn thực phẩm - đây là điểm khó đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong việc xuất khẩu.
Tại hội nghị, bà Phan Thị Mến – Giám đốc Công ty Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH giới thiệu tổng quan về Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp của nước ngoài khi xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm vào thị trường này; các khó khăn thường gặp của doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc và Mỹ, Ấn Độ; các quy định cụ thể áp dụng đối với một số mặt hàng tiêu biểu của Lào Cai đang được xuất khẩu sang Trung Quốc như: Sắn lát, gia vị (quế, hồi...), chè, chuối, dứa, dược liệu…
Sau 30 tháng thực hiện Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc, Việt Nam đã đăng ký được hơn 3.000 mã số xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, được phân thành các nhóm ngành hàng, đưa về các cơ quan chuyên môn bộ, ngành quản lý.
Các đại biểu cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của Trung Quốc - đây là giải pháp quan trọng nhất để xuất khẩu chính ngạch và mở cửa cho nhiều mặt hàng khác vào thị trường này.
Theo đó, tỉnh Lào Cai cần tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung có chất lượng được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn tiên tiến (VietGAP, hữu cơ, HACCP, ISO 22000...); tăng cường liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị cạnh tranh của nông sản…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.