Nông nghiệp

Ứng Hòa tận dụng lợi thế, phát triển nông sản

Bạch Thanh 09/04/2025 - 07:23

Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, huyện Ứng Hòa đang từng bước xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, từng bước nâng cao chất lượng và giá trị nông sản...

bat-ca.jpg
Thu hoạch thủy sản tại xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Đình Thủy

Ứng Hòa có hơn 10.000ha đất nông nghiệp, đây là lợi thế lớn trong chiến lược phát triển nông nghiệp hiện đại của huyện. Thời gian qua, huyện chú trọng quy hoạch, mở rộng vùng sản xuất tập trung, phát triển theo hướng hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường; sản xuất theo chuỗi liên kết, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ ổn định...

Huyện xây dựng vùng lúa hàng hóa 5.690ha, năng suất đạt trên 58 tạ/ha, sản lượng hơn 33.000 tấn/vụ. Nhiều giống lúa chất lượng cao như J02, nếp thơm được đưa vào sản xuất (vụ xuân 2024, lúa chất lượng cao chiếm 71%). Huyện cũng đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất (tỷ lệ làm đất và thu hoạch bằng máy đạt trên 98%), hơn 700ha ứng dụng máy bay không người lái trong phun thuốc, giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả canh tác.

Ngoài ra, huyện mở rộng vùng sản xuất cây ăn quả ven sông Đáy (473ha); vùng rau an toàn 100ha duy trì ổn định tại các xã: Phù Lưu, Thái Hòa, Cao Sơn Tiến...

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi của Ứng Hòa cũng đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

Huyện quy hoạch và phát triển các vùng chăn nuôi theo từng loại vật nuôi; hỗ trợ nhiều trang trại đầu tư theo hướng hiện đại, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, như: Hộ ông Đặng Hữu Hỷ ở xã Cao Sơn Tiến hợp tác với công ty Hàn Quốc, quy mô 2.000 con lợn thịt; hộ ông Đoàn Văn Mười ở xã Đông Lỗ với 15.000 con gà đẻ... đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong nuôi trồng thủy sản, với 2.700ha được chuyển đổi từ ruộng trũng kém hiệu quả, huyện đã hình thành vùng nuôi thủy sản tập trung tại các xã: Phương Tú, Hòa Lâm, Trầm Lộng, Trung Tú, Đồng Tân, Minh Đức… Nhiều mô hình "sông trong ao" ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế, giảm rủi ro, tiết kiệm tài nguyên nước. Toàn huyện có 110ha thủy sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP...

Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận, nông nghiệp của Ứng Hòa còn một số việc cần quan tâm. Là hộ chăn nuôi quy mô lớn, khép kín với 5.000 con lợn thịt, 3.000 con lợn nái, ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Thái Hòa chia sẻ, nhờ áp dụng công nghệ, việc sản xuất chủ động, hiệu quả hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, việc xây dựng vùng chăn nuôi tập trung kết hợp ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát dịch bệnh rất cần quy hoạch cụ thể, đồng bộ từ địa phương đến cơ sở để nông dân thực sự là "mắt xích" trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ bền vững.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ứng Hòa Nguyễn Anh Tuấn, với nỗ lực của toàn huyện, nhiều nông sản được truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ mạnh trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, Ứng Hòa rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân. Huyện đang tập trung hỗ trợ kỹ thuật, cấp chứng nhận VietGAP, kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi số...

Về lĩnh vực này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định cho biết, trong bối cảnh nông nghiệp Thủ đô đang đẩy mạnh tái cơ cấu, việc phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, hình thành vùng sản xuất tập trung là giải pháp then chốt để nâng cao giá trị, phát triển bền vững. Với lợi thế sản xuất hàng hóa quy mô lớn, Ứng Hòa xác định rõ, chỉ khi hình thành được chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, nông dân mới yên tâm đầu tư, sản xuất bền vững...

Theo đó, huyện đang triển khai nhiều giải pháp như: Hỗ trợ tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, thúc đẩy cơ giới hóa, phát triển hợp tác xã kiểu mới, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ địa phương, hợp tác xã cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi; hỗ trợ chứng nhận VietGAP, xúc tiến thương mại. Đặc biệt, huyện chú trọng việc chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm truy xuất nguồn gốc, minh bạch quy trình, nâng cao giá trị sản phẩm...

"Thời gian tới, huyện tiếp tục đồng hành với nông dân, doanh nghiệp trong phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học, mở rộng liên kết sản xuất - tiêu thụ. Ứng Hòa đặt mục tiêu hình thành các vùng sản xuất nông sản đặc trưng gắn với thương hiệu địa phương nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng Hòa tận dụng lợi thế, phát triển nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.