(HNM)- Trong cuộc sống nhiều chiều thông tin, đầu óc đã mệt nhưng mệt nhất và thiệt hại nhất là hằng ngày phải nghe, phải làm theo hoặc ít ra là hoang mang trước những thông tin thất thiệt.
Đã tưởng chuyện khu vườn lạ ở Long An, khu vườn tự cháy ở Quảng Nam, mai cua có hình đức Phật ở Quảng Bình hoặc "đời thường" hơn, chuyện vải thiều có vi khuẩn viêm não Nhật Bản; bưởi da xanh có chất gây ung thư, trứng gà giả, gạo giả bằng nhựa nhập từ Trung Quốc sẽ là bài học làm người ta khôn ra. Nhưng không, hết chuyện nọ đến chuyện kia. Những ngày này, chuyện lớn: trái đất sắp va đập với các hành tinh khác và động đất, sóng thần là đúng với những lời tiên tri từ rất lâu. Chuyện hằng ngày: xăng dầu sắp tiếp tục tăng giá, giá điện từ tháng 6 sẽ cao ngất ngưởng, hơn cả nhiều nước, rồi thịt bò giả, sữa bột nhiễm chất độc… đang lưu hành trên thị trường.
Những thông tin thất thiệt này từ đâu ra? Đó là tin đồn mà tin đồn theo lý thuyết xã hội học là những thông tin không rõ nguồn phát, không có nơi đăng tải chính thức, không có căn cứ để tin hoặc không tin. Nó chưa phải là dư luận nhưng nếu không được xử lý, nó gây tác hại không thua gì, nếu không nói là hơn cả dư luận sai. Chuyện cũ, hơn 4 triệu người từ khắp nơi đổ về khu vườn "có khả năng chữa bệnh ở Đức Hòa (Long An)" tốn kém nhiều tỷ đồng, hàng chục triệu ngày lao động, gây một thảm họa về môi trường và an ninh trật tự. Cũng chuyện cũ, nhà sản xuất phải bán đổ bán tháo hoặc bỏ rụng trong vườn hàng nghìn tấn vải thiều, bưởi da xanh vì không nguồn tiêu thụ. Chuyện mới những ngày này: Người ta không ăn thịt bò để ăn thịt lợn. Mua tích trữ những "máy tiết kiệm xăng dầu"; "máy tiết kiệm năng lượng" nhập khẩu từ Trung Quốc đang bày bán trên thị trường. Mua sữa bột của các hãng không dùng nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Mua chai, cốc từ thủy tinh Bôhêm và Italia… Rau quả có nhiều hóa chất độc hại ư, đã có máy khử độc bằng ôzôn. Từ chỗ ít người để ý, mấy ngày nay các mặt hàng này cháy sạp. Ai hưởng lợi từ những tin đồn này, chắc dễ dàng đoán được.
Không chỉ dừng lại ở những câu chuyện mê tín dị đoan hay tiêu dùng thường nhật, nhiều tin đồn liên quan cả đến chuyện sản xuất, làm ăn của hàng triệu người xoay quanh giá cả thị trường cao thấp; chủ trương phát triển hay hạn chế… cao su, cà phê, hạt điều hay mới đây hồ tiêu là những thí dụ. Đau xót hơn, tin đồn về lông đuôi voi chữa bệnh, sừng tê giác chữa ung thư, loài rùa đồng làm thuốc bổ, rễ cây hồi làm thuốc đặc trị, gỗ cây sưa bán theo cân lạng và rất nhiều thứ khác khiến nhiều người giàu lên, nhiều người khánh kiệt, rất nhiều động, thực vật bị tàn sát, truy diệt. Mỗi tin thất thiệt tung ra, lại mất rất nhiều công sức, tiền của chứng minh. Nhiều khi, có được sự giải thích đúng sai thì đã muộn.
Tin đồn lộng hành là bởi thông tin không kịp thời, thiếu minh bạch. Không thể ngăn chặn được tận gốc tin đồn nhưng hạn chế nó và tác hại của nó thì có thể. Muốn như thế cần đổi mới công tác thông tin, kể cả thông tin trên báo chí, đưa việc xử lý tin đồn thất thiệt vào luật, không chỉ vào luật về giá như Bộ Tài chính vừa dự thảo mà còn có thể vào cả Bộ luật Dân sự, Hình sự nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.