(HNM) - Từ năm 2009, Hội Người khuyết tật (NKT) TP Hà Nội triển khai chương trình mở lớp xóa mù chữ cho NKT. Đến nay, chương trình đã thu được nhiều kết quả khả quan.
Trên địa bàn Hà Nội, Gia Lâm là một trong những nơi có nhiều NKT mù chữ. Trước thực tế này, năm 2009 Hội NKT TP Hà Nội phối hợp với Hội NKT Gia Lâm mở lớp học xóa mù chữ cho 15 NKT. Kết thúc khóa học, hầu hết học viên đã nhận biết, gọi tên và hiểu được những vật dụng, sự việc xảy ra xung quanh mình dù là ít ỏi, từ đó tự tin giao tiếp với bạn bè, người thân và xã hội... Tiếp nối thành công đã đạt được, tháng 8-2012, Hội NKT TP Hà Nội tiếp tục phối hợp với Hội NKT Gia Lâm mở lớp học xóa mù chữ cho 22 học sinh khuyết tật ở nhiều lứa tuổi.
Dạy chữ cho trẻ khuyết tật tại làng Hòa Bình (quận Thanh Xuân). Ảnh: Minh Hải |
Dạy chữ là việc làm cần thiết để giúp NKT nâng cao nhận thức, hiểu rõ quyền của mình trong cộng đồng và quan trọng hơn là giúp NKT tiếp cận với việc làm, tự ổn định đời sống. Từ năm 2009, Hội NKT TP Hà Nội triển khai chương trình mở các lớp xóa mù chữ cho NKT. Đến nay, Hội đã mở được 27 lớp học xóa mù chữ cho hơn 340 NKT ở các quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Gia Lâm, thị xã Sơn Tây… Trong đó, năm 2012, Hội mở 5 lớp xóa mù chữ cho 76 NKT. Sau 3 tháng học, hầu hết học viên từ chỗ không biết chữ đã biết đọc, biết viết.
Cô giáo Nguyễn Thị Sang, người trực tiếp giảng dạy ở lớp học xóa mù chữ cho NKT huyện Gia Lâm cho biết, NKT mù chữ gồm nhiều dạng tật, lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau nên việc nhận thức cũng khác nhau. Dạy con chữ cho các em, các thầy, cô giáo phải hết sức kiên trì, phải chỉ bảo từng tí. Những em thiểu năng trí tuệ dù đã học viết chữ nhưng để hiểu, nhớ chữ cái cũng phải mất vài tuần. Có em tay không được bình thường, tập mãi mà vẫn chữ thấp, chữ cao… "Nhận dạy các cháu khuyết tật, thực tình tôi cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng không biết các cháu có học được không. Sau vài tháng dưới sự chỉ bảo, dạy dỗ của thầy cô, phần lớn các cháu đều có tiến bộ" - Cô giáo Nguyễn Thị Sang nói.
Theo Hội NKT TP Hà Nội, các lớp học đã thu hút được sự quan tâm của cha mẹ học sinh, của những người có tâm huyết hỗ trợ các em. Một số giáo viên về hưu và giáo viên là cán bộ của Hội rất tâm đắc với công việc xóa mù chữ nên đã tham gia nhiệt tình. Nhiều em, từ chỗ mặc cảm, tự ti, ít chia sẻ những suy nghĩ của mình với bạn bè, người thân, sau khi biết đọc, biết viết đã tự tin giao tiếp với thầy, cô giáo, bạn bè cùng lớp và mọi người xung quanh. "Các em không chỉ được học chữ mà còn được học cách hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Đây là những bước đi khó nhọc nhưng các em rất cố gắng" - Ông Nguyễn Xuân Chúc, Phó ban Kiểm tra Hội NKT TP Hà Nội cho biết.
Xóa mù chữ cho NKT không phải là công việc đơn giản nên rất cần sự chung tay giúp sức của các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội.
Hà Nội có gần 90.000 NKT, trong đó có khoảng 30.000 người mù chữ (chiếm 33,34%). Số NKT có trình độ tiểu học chiếm 16,67%, tốt nghiệp THCS chiếm 16,04%, tốt nghiệp THPT chiếm 6,05%... Mù chữ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống NKT, đồng thời họ phải mày mò vất vả, tốn kém thời gian, nhiều khi không làm được việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.