(HNM) - Hàng loạt xe hợp đồng hoạt động dưới danh nghĩa xe du lịch, hằng ngày dừng, đỗ đón trả khách trên nhiều tuyến phố của Thủ đô, đã gia tăng sức ép lên hạ tầng giao thông vốn luôn trong tình trạng quá tải. Cùng với đó, các bến “cóc” hình thành... Tuy nhiên, xử lý triệt để được loại hình này lại rất khó khăn.
Xe hợp đồng trá hình đón trả khách tại đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy). Ảnh: Anh Tuấn |
Xe du lịch hợp đồng "đại náo" Thủ đô
Không chỉ dừng ở những tuyến phố, khu vực xa trung tâm, vài năm gần đây, xe hợp đồng (XHĐ) hoạt động dưới danh nghĩa xe du lịch đã vươn “vòi bạch tuộc” vào cả khu vực phố cổ. Và không chỉ dừng ở những chiếc xe 16 chỗ hoán cải thành xe dưới 10 chỗ để dễ bề luồn lách, len lỏi trên những tuyến phố hẹp, bây giờ nhiều doanh nghiệp còn vô tư chạy cả những dòng xe cỡ lớn 45 chỗ vào khu phố cổ. Thậm chí, vào cả những khung giờ cao điểm sáng và chiều, những chiếc xe cỡ lớn chạy như đèn cù đi gom khách lẻ tại các tuyến phố có nhiều khách sạn, văn phòng du lịch tập trung nhiều khách nước ngoài, như Hàng Khay, Báo Khánh, Hàng Trống... Mỗi lần dừng, đỗ đón trả khách, xe choán hết nửa lòng đường, gây ùn tắc giao thông, bức xúc trong dư luận.
Ngoài khu vực trung tâm, nhiều nơi trong thành phố, đặc biệt là nơi các doanh nghiệp vận tải đặt trụ sở, văn phòng đại diện, dần trở thành những bến “cóc”. Chỉ một đoạn ngắn trên tuyến đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) có 3 nhà xe lớn đóng trụ sở là Hưng Long, Hưng Thành, Camel thường xuyên có cả chục xe vận tải khách liên tỉnh trá hình, đi các tuyến Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị... Cũng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, phố Trần Đại Nghĩa trở thành điểm tập kết xe chờ khách.
Cách đó không xa, khu vực hồ Phương Liệt (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân), lâu nay hình thành bến “cóc” dưới vỏ bọc là văn phòng đại diện của các nhà XHĐ. Khách đặt chỗ qua điện thoại, qua internet hoặc bán vé trực tiếp tại văn phòng. Đúng hẹn, khách có mặt rồi khởi hành. Thậm chí, nhiều nhà xe còn tổ chức đưa đón khách về điểm tập kết, sau đó hợp lý hóa các loại giấy tờ, danh sách hành khách nhằm đối phó với lực lượng chức năng trên đường.
Lực lượng chức năng bất lực?
Vấn đề XHĐ du lịch đi gom khách trên các tuyến phố và XHĐ nhưng hoạt động trá hình như vận tải khách liên tỉnh đã để lại nhiều hệ lụy. Hạ tầng giao thông Thủ đô vốn thường xuyên quá tải lại phải chịu thêm áp lực, càng khiến ùn tắc diễn biến phức tạp. Trong khi các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính nộp thuế, phí bến bãi, phải hoạt động theo biểu đồ vận tải, quy hoạch luồng tuyến thì cơ chế quản lý đối với XHĐ lại quá dễ dãi, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, một bến “cóc” hoạt động trung bình 15 lượt xe khách 45 chỗ/ngày, doanh nghiệp có thể trốn gần 3,8 tỷ đồng tiền thuế và khoảng 1,5 tỷ đồng tiền phí bến bãi mỗi năm.
Bất cập như vậy sao không xử lý kiên quyết? Trả lời câu hỏi này, đại diện Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội khẳng định, lực lượng Thanh tra đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý, song chính những kẽ hở về cơ chế, chính sách hiện hành đã khiến cho công tác này gặp nhiều khó khăn. Ví dụ XHĐ dưới 10 chỗ đi gom khách, thanh tra chỉ xử phạt được lỗi dừng, đỗ đón trả khách không đúng quy định. Ngay cả khi ghi được hình ảnh hành khách lên xe, lái xe vẫn khẳng định chỉ chở theo hợp đồng, với sự thông đồng, bao che của hành khách...
Ông Nguyễn Tuyển, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết: “Lượng XHĐ, đặc biệt là loại dưới 10 chỗ đăng ký với Sở thời gian gần đây tăng rất nhanh. Dù biết, phần nhiều trong số này sẽ chạy hợp đồng “dù” nhưng theo quy định, doanh nghiệp đầy đủ hồ sơ thì phải cấp phù hiệu. Theo thống kê, hiện có khoảng 20.800 xe các loại được Sở GT-VT Hà Nội cấp phù hiệu XHĐ. Xử lý các loại xe này rất khó là do theo quy định, XHĐ chỉ cần có hợp đồng với hành khách là được chạy. Trong quá trình hoạt động, nhiều xe đã làm “khống” danh sách hành khách nhằm đối phó với cơ quan chức năng.
"Ngoài ra, do thói quen tiện lợi, được đón trực tiếp tại nhà nên nhiều khách bao che cho nhà xe khi bị kiểm tra, mà không biết rằng bản thân mình bị ảnh hưởng về quyền lợi do không có bảo hiểm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Bộ GT-VT sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý XHĐ chặt chẽ hơn; cần khống chế số lượng xe được phép hoạt động; quy định rõ khung giờ, tuyến đường và điểm đỗ để không gây áp lực lên hạ tầng, gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Chừng nào quy định pháp luật vẫn còn kẽ hở để doanh nghiệp “lách” qua, vi phạm sẽ khó xử lý triệt để" - ông Nguyễn Tuyển nói.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Tham mưu - Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 453 trường hợp, phạt tiền 662.450.000 đồng, tạm giữ 15 phương tiện vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 129 trường hợp. Các lỗi vi phạm chủ yếu là dừng, đỗ sai quy định; đi vào đường cấm; lái xe không mang theo giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm hoặc bảo hiểm trách nhiệm dân sự; chở khách không gắn biển hiệu theo quy định... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.