Giao thông

Xe hợp đồng “bát nháo” vì thiếu công cụ quản lý

Tuấn Lương 18/12/2023 - 20:32

Làm gì để gỡ vướng mắc trong quản lý xe hợp đồng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng là những vấn đề nổi bật được đưa ra tại tọa đàm "Quản lý xe hợp đồng nâng chất lượng vận tải khách: Cần siết hay mở?", do Báo Giao thông tổ chức chiều 18-12.

quang-canh-toa-dam.jpg
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Tạ Hải.

Khó quản lý vì thiếu nhiều thứ

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quản lý cấp phù hiệu gần 40.000 xe hợp đồng. Trong số này, loại xe hợp đồng dưới 9 chỗ khoảng 20.000 xe, còn lại các xe trên 9 chỗ. Trong đó, xe trên 9 chỗ vận chuyển học sinh có khoảng 2.000 xe, số còn lại là hợp đồng theo chuyến. Tuy nhiên, vẫn có những xe đang lách luật, đi gom khách, vận chuyển tương tự tuyến cố định.

Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) thừa nhận, công tác quản lý xe hợp đồng của Hà Nội nói riêng và toàn quốc nói chung đang gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là loại xe hợp đồng gom khách, lập danh sách hành khách giả mạo hợp đồng tour du lịch hòng qua mặt lực lượng chức năng, để chạy như tuyến cố định.

Hiện nay, các quy định quản lý kinh doanh vận tải xe hợp đồng tương đối rõ nhưng lại thiếu công cụ quản lý, đơn cử như việc xác định tỷ lệ điểm đầu, điểm cuối trùng lặp có vượt quá 30% tổng số chuyến trong tháng hay không? Chưa kể, các đơn vị có nhiều phương tiện dễ dàng đảo xe để lách quy định…

Ngoài ra, quy định gửi hợp đồng, danh sách hành khách về Sở Giao thông Vận tải trước chuyến đi cũng là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, một ngày có hàng nghìn hợp đồng gửi về cũng khiến hệ thống thư điện tử của Phòng Quản lý vận tải của Sở bị quá tải, khi trích xuất thông tin gửi cho lực lượng Thanh tra giao thông xử lý cũng khó khăn.

Ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, qua thực tiễn quản lý có những vướng mắc chung như hầu hết các địa phương. Đó là, vướng mắc liên quan xử lý xe hợp đồng trùng lắp trên 30%. Ngoài việc kiểm tra tại đơn vị và dữ liệu truyền về để xác lập hành vi thì chưa có công cụ như thiết bị giám sát hành trình. Vướng mắc tiếp là thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai phần mềm theo dõi vi phạm, tuy nhiên theoNghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là gửi về phần mềm Bộ Giao thông Vận tải. Điều này gây khó khăn trong thu thập dữ liệu để xác lập hành vi vi phạm…

Chế tài xử lý chưa đủ mạnh là quan điểm được Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) nêu ra tại buổi tọa đàm. Theo đó, trong 11 tháng năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã xử lý hơn 12.000 trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động vận tải khách. Trong đó, xử lý hơn 7.000 trường hợp xe khách vi phạm, xe hợp đồng là hơn 2.000 trường hợp.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định vẫn diễn biến phức tạp và gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Điển hình là việc cá nhân, tổ chức kinh doanh xe hợp đồng sử dụng nền tảng mạng xã hội, website quảng cáo bán vé; tìm đủ chiêu trò hợp thức hóa hợp đồng. Các đối tượng cũng sử dụng văn phòng đại diện, điểm kinh doanh đặt giáp các bến xe, tuyến đường trọng điểm, huyết mạch để đón trả khách qua mặt lực lượng chức năng. Một khó khăn nữa trong xử lý vi phạm xe hợp đồng trá hình là các chế tài về xử lý vi phạm còn chưa mạnh, đặc biệt là việc xử lý đối với những xe vi phạm nhiều lần.

xe-hop-dong-hoat-dong-bat-nhao.jpg
Nhiều xe hợp đồng hoạt động trá hình như xe khách tuyến cố định xung quanh Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Hoài Nam.

Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý

Trao đổi về giải pháp hạn chế xe hợp đồng gom khách, hoạt động trá hình như xe khách tuyến cố định, Đại úy Nguyễn Văn Tứ, Phó đội trưởng Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát đường bộ, đường sắt, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng, yếu tố cốt lõi là phải kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị quản lý nhà nước.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, để công tác quản lý kinh doanh hoạt động vận tải được hiệu quả hơn, việc quản lý cần phải sâu sát hơn, đặc biệt trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng.

Vừa qua, có tình trạng phù hiệu xe bị thu hồi nhưng doanh nghiệp không nộp lại phù hiệu mà vẫn tiếp tục hoạt động, tới đây dự kiến cơ quan quản lý sẽ bổ sung quy định các phương tiện này sẽ được cảnh báo đăng kiểm, tương tự xe vi phạm giao thông chưa chấp hành xử lý phạt nguội theo thông báo của Cảnh sát giao thông; ngừng giải quyết thủ tục hành chính với doanh nghiệp chưa chấp hành nộp phù hiệu, biển hiệu. Đồng thời, bổ sung việc thu hồi phù hiệu đối với xe vi phạm tốc độ 3 lần/ngày…

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Cục luôn khuyến khích xe hợp đồng kinh doanh theo đúng quy định như: Xe hợp đồng vận chuyển học sinh, công nhân, đi tham quan, du lịch… Thời gian tới, cùng với sửa đổi các quy định pháp luật chặt chẽ hơn, sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tập trung quản lý, xử lý xe kinh doanh hợp đồng không tuân thủ quy định pháp luật.

“Chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội phát động phong trào người dân cung cấp hình ảnh vi phạm trên địa bàn để cơ quan chức năng có cơ sở xác minh, kiểm tra, xử lý, tăng tính răn đe và sẽ tiếp tục phối hợp khai thác triệt để hơn nữa cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là camera giám sát hành trình”.

Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xe hợp đồng “bát nháo” vì thiếu công cụ quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.