Hà Nội kết nối

TP Hồ Chí Minh: Xe hợp đồng hoạt động như xe khách tuyến cố định

Nhóm phóng viên 04/10/2023 - 11:47

Tại thành phố Hồ Chí Minh, những xe hợp đồng chạy chở khách tuyến cố định đang khiến việc quản lý của cơ quan chức năng trở nên khó khăn hơn, gây ra cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe.

a16.jpg
Hàng dài "xe hợp đồng, xe du lịch" trên phố Nguyễn Thái Bình, quận 1 đang chờ khách đi tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu.

Chị Hoàng Thụy Kiều Vân, ngụ tại quận 4, thường xuyên đi lại giữa thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Vũng Tàu vào mỗi cuối tuần để thăm nhà sau một tuần làm việc trên thành phố. Thay vì phải ra tận Bến xe Miền Đông ở thành phố Thủ Đức cách nhà hơn 10km, chị chỉ cần đến đường Nguyễn Thái Bình bên quận 1, cách nhà 3km là đã có xe đưa đến tận cửa nhà tại Vũng Tàu. Khi được hỏi: “Vé có bảo hiểm hành khách không?”, chị Vân nói: “Tôi không biết, không để ý nữa”.

Nhiều người như chị Vân và họ không chỉ đi Vũng Tàu, mà còn đi Đà Lạt, Phan Thiết, Buôn Ma Thuột... Những chiếc xe “hợp đồng”, nhất là loại 16 chỗ, chạy ngang dọc nội đô thành phố Hồ Chí Minh, chuyên chở lượng lớn hành khách đi nhiều tuyến, khiến các nhà xe đăng ký chạy tuyến cố định khóc dở, mếu dở.

a15.jpg
Xe từ các nơi về trả khách tại số 16 Yersin, quận 1.

Theo quy định hiện hành, xe hợp đồng là loại xe không chạy tuyến cố định; chở hành khách đi và đến theo lộ trình của người đi xe và theo hợp đồng ký kết trước mỗi chuyến giữa nhà xe và hành khách. Ban đầu, đây là loại xe chuyên phục vụ khách du lịch. Để tạo thuận lợi cho đơn vị vận tải và hành khách, Nhà nước cho phép một số loại xe này vào các ngóc ngách nội đô để đón, trả khách theo cả hợp đồng điện tử và hợp đồng giấy. Nhưng cũng chính từ việc “tạo điều kiện” này, nhiều nhà xe đã "lách" luật.

Qua khảo sát thực tế tại một số quận nội thành như quận 1, quận 5, phondg viên của Báo Hànộimới đã ghi nhận nhiều hành vi biến xe hợp đồng thành xe chạy tuyến cố định. Cụ thể, tại quận 1, tuyến phố Nguyễn Thái Bình là nơi đặt văn phòng của nhiều nhà xe chuyên chạy tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu và các tuyến chạy ra phía Bắc. Còn các nhà xe chạy về miền Tây đặt văn phòng trên tuyến phố Trần Phú (quận 5).

Trên phố Nguyễn Thái Bình, khi chúng tôi đến văn phòng nhà xe H.H hỏi mua vé đi Vũng Tàu,nhân viên lễ tân lấy tên, số điện thoại của khách để đưa vào danh sách hợp đồng điện tử, thông báo số ghế ngồi. Cứ nửa tiếng một lần, lại có một xe 16 chỗ được nâng cấp thành xe 9 chỗ với chỗ ngồi nhiều tiện ích, đến đón khách. Có bao nhiêu khách, xe chạy bấy nhiêu. Dọc đường, xe dừng tại trạm dừng nghỉ 15 phút. Đến Vũng Tàu, xe đưa trả khách tận nhà.

a20.jpg
Hành khách tự điền tên trong "danh sách hợp đồng thuê xe" đi từ thành phố Hồ Chí Minh đến Vũng Tàu.

Còn tại nhà xe H.M, hành khách lên xe được nhà xe đưa cho một tờ giấy in sẵn để điền tên thành “hợp đồng giấy” chở khách. Xe không dán biển "xe hợp đồng", mà là "xe du lịch". Quy trình vận tải như trên.

Nếu đi xe 35 chỗ của nhà xe P.T, hành khách sẽ được trung chuyển từ quận 1 ra đầu bên kia của hầm Thủ Thiêm bên thành phố Thủ Đức, đứng ở điểm chờ xe buýt để xe đến đón. Bên kia đường là điểm trả khách từ Vũng Tàu về thành phố Hồ Chí Minh trước khi được trung chuyển về quận 1.

a14.jpg
Xe trung chuyển gom khách từ quận 1 thả tại điểm đỗ xe buýt trên đường Mai Chí Thọ (đầu hầm Thủ Thiêm bên thành phố Thủ Đức), chờ xe lớn đến đón.

Tình hình tương tự cũng diễn ra trên phố Trần Phú (quận 5) với các nhà xe chạy từ thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Anh V.M.T, một người từng làm tại một số nhà xe, thông tin: Luật quy định xe hợp đồng không được chạy trùng điểm đầu điểm cuối quá 30% tổng số chuyến trong tháng và được giám sát bằng hộp đen và camera nối đến cơ quan quản lý. Các nhà xe lách luật bằng cách hoán đổi các xe chạy các tuyến khác nhau. Ngoài ra, khi về đến các thành phố nhỏ như Bà Rịa, Vũng Tàu, Phan Thiết hay các tỉnh miền Tây, xe trả khách tận nhà nên không bị trùng điểm đến.

a17.jpg
Trạm xe trên đường Trần Phú quận 5 là nơi đưa đón khách từ thành phố Hồ Chí Minh đi miền Tây và ngược lại.

"Luật quy định rõ những xe này không được đón trả khách tại những điểm là trụ sở doanh nghiệp hay điểm cố định nào đó, nhưng các nhà xe vẫn thực hiện và ít khi bị xử lý. Đơn cử, các nhà xe chạy tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu thường nhận khách tại văn phòng hãng ngay trên phố Nguyễn Thái Bình. Điểm trả khách cho tuyến Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh là vỉa hè căn nhà 16 phố Yersin cũng tại quận 1. Xe P.T đón trả khách tại phố Phạm Ngũ Lão…”, anh T nói.

Ông Hoàng V.K, chủ một doanh nghiệp nhỏ chạy xe khách tuyến cố định từ thành phố Hồ Chí Minh đi Vĩnh Long, chia sẻ: “Xe hợp đồng lấy được nhiều khách của xe cố định vì tiện lợi hơn. Chúng tôi chỉ được đón trả khách tại bến xe, chạy theo giám sát hành trình, vé có bảo hiểm cho khách. Mỗi xe chỉ được chạy tối đa 2 tuyến cố định có liên kết nhau chứ không được chạy thoải mái như xe hợp đồng. Việc được cấp giấy phép chạy tuyến cố định phải được sự đồng ý của cả ngành Giao thông nơi đi và đến…”.

Khi phóng viên hỏi tại sao ông không chạy hợp đồng giống các nhà xe khác, ông Hoàng V.K cười lớn: “Đâu có dễ. Không phải ai muốn chạy hợp đồng như thế là được đâu….”.

a13.jpg
Hai xe "hợp đồng" trả khách trên phố Nguyễn Thái Bình, quận 1.

Chúng tôi đã cố gắng tiếp xúc với đại diện một số nhà xe nêu tại phần đầu bài viết này, nhưng chưa nhận được hồi âm. Trên phố Trần Phú, quận 5, trong vai một nhóm hành khách, chúng tôi cố gắng bắt chuyện với một nhân viên hướng dẫn xe ra vào và đón khách đi xe. Anh này trả lời nhát gừng: “Đây không phải là bến xe, đây là nơi công ty lấy làm điểm đỗ xe thôi. Các xe đều đỗ trong nhà, tiện để khách lên xuống, đâu có dừng ngoài đường…”.

Rõ ràng là việc “lách" luật để biến xe hợp đồng thành xe chạy tuyến cố định đang xảy ra phổ biến tại thành phố Hồ Chí Minh với những điểm đón, trả khách công khai. Việc này vừa chứng tỏ công tác quản lý của cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, vừa gây phức tạp trong vấn đề vận tải hành khách và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị vận tải. Ngoài ra, các điểm đón trả khách của xe hợp đồng trong nội đô còn gây mất mỹ quan và trật tự an toàn giao thông đô thị.

Liên hệ với cơ quan chức năng, chúng tôi được biết, theo yêu cầu của Cục Đường bộ Việt Nam và trước sự phản ánh của dư luận, từ ngày 5-10 tới đây, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiểm tra việc chấp hành quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với Công ty TNHH Thành Bưởi (nhà xe Thành Bưởi); Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Thiên Ý (quận Gò Vấp); Hợp tác xã Dịch vụ du lịch thương mại vận tải Hoàn Hảo (quận 1), sau đó mở rộng ra các doanh nghiệp, đơn vị vận tải khác.

Báo Hànộimới sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này. Mong rằng những bất cập, tồn tại sẽ sớm được xử lý để lĩnh vực vận tải hành khách tại thành phố Hồ Chí Minh phát triển lành mạnh, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Xe hợp đồng hoạt động như xe khách tuyến cố định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.