Hà Nội đề xuất với Thủ tướng Chính phủ quản lý xe đạp điện như đối với phương tiện cơ giới, do quá trình sử dụng đang bộc lộ những hạn chế khi lưu thông và trở thành ẩn họa gây tai nạn khu vực đô thị, dù phương tiện này được đánh giá thân thiện với môi trường.
Xe đạp điện có tốc độ gần như xe máy tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: Lê Phú |
Đây là một trong những nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật để phù hợp hơn với tình hình thực tế và làm cơ sở thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030" mà UBND TP Hà Nội vừa gửi Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian gần đây, xe đạp điện trở thành phương tiện ưa thích của giới trẻ Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là do không cần bằng lái, không tốn tiền mua xăng, mà vẫn có thể chạy với tốc độ tương đương xe máy. Trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 7.000 xe đạp điện.
Tuy nhiên, phương tiện được đánh giá là thân thiện với môi trường, vận hành tiện lợi này lại đang bộc lộ những hạn chế nhất định khi lưu thông và trở thành ẩn họa gây tai nạn trong khu vực đô thị.
Theo UBND TP Hà Nội, việc quản lý xe đạp điện như đối với phương tiện cơ giới là cần thiết. Song theo quy định hiện hành, "xe đạp điện" chưa được quy định là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nên chưa đủ cơ sở để thực hiện "quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy".
Do vậy, Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Giao thông - Vận tải bổ sung "xe đạp điện" là đối tượng thuộc nhóm "phương tiện giao thông cơ giới đường bộ" trong Bộ luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.