(HNM) - Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt từ 65% đến 70%. Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mới đạt 55,1%; tỷ lệ trường đạt chuẩn giữa các cấp học, các quận, huyện có sự chênh lệch.
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố khảo sát bếp ăn tại Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân). |
Mối lo thường trực
Hà Nội hiện có 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với gần 2 triệu học sinh. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã xây mới 194 trường, cải tạo 436 trường học với kinh phí hơn 14.000 tỷ đồng.
Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Quang Thắng cho biết, thời gian qua, thành phố đã rất quan tâm, đầu tư nguồn lực cho giáo dục với mục tiêu nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, từ đó nâng chất lượng dạy và học. Tỷ lệ chung toàn thành phố các trường đạt chuẩn hơn 55% là sự cố gắng, song tỷ lệ trường đạt chuẩn giữa các cấp học, các quận và huyện có chênh lệch lớn. Hiện tại, còn 7 đơn vị có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia dưới 60%, trong đó huyện Ba Vì, Phú Xuyên có tỷ lệ dưới 50%. Đặc biệt, trên toàn thành phố, cấp học mầm non mới đạt tỷ lệ 40,7% trường đạt chuẩn, cấp học THPT mới đạt tỷ lệ 34,2% trường đạt chuẩn.
Ông Nguyễn Viết Cẩn (Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch ở Hà Nội không bắt kịp tốc độ gia tăng dân số. Chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới không quan tâm thực hiện theo quy hoạch, trong đó có việc xây dựng các trường học công lập, dẫn đến quá tải trong các trường học luôn là mối lo thường trực.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Cẩn: Ở ngoại thành, kinh phí đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia rất khó khăn. Nhiều nơi, vừa phải lo đầu tư xây dựng trường mới, trong khi tiếp tục tìm nguồn đầu tư để công nhận lại trường đã đạt chuẩn quốc gia trước đó vì đã xuống cấp. Còn ở nội thành, các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, đa phần lại khó khăn về đất để mở rộng trường, nên cũng vướng mắc trong việc tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia.
Công tác dự báo phải sát tình hình
Theo dõi hoạt động giám sát của HĐND thành phố và trên thực tế thời gian qua cho thấy, phát triển trường học công lập đang không theo kịp tình hình chung. Đặc biệt, số trường đạt chuẩn quốc gia cần công nhận lại là gần 100 trường và đây là trăn trở, lo lắng của không chỉ ngành Giáo dục. Theo nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, trong lúc nguồn lực của Nhà nước có hạn thì việc cần thiết là đa dạng hóa nguồn lực để đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mới và công nhận lại, bao gồm thu hút xã hội hóa cả về lĩnh vực quản trị giáo dục.
Đại biểu Đỗ Thùy Dương (chuyên gia tư vấn quản trị nguồn nhân lực và phát triển doanh nghiệp) cho rằng, Nhà nước cần thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực giáo dục. Đơn cử, một số doanh nghiệp quản trị về giáo dục rất tốt, nhưng lại thiếu nguồn vốn, thiếu nơi áp dụng kỹ năng quản trị.
Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng (Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố) cho biết, thành phố đã ban hành nhiều chính sách thu hút nguồn lực cho ngành Giáo dục, song thực tiễn chính sách chưa đi nhiều vào cuộc sống. Vì thế, UBND thành phố sớm rà soát lại các chính sách để điều chỉnh cho phù hợp, trong đó cần coi trọng thúc đẩy xã hội hóa đối với những vùng khó khăn ở ngoại thành.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Bí thư Quận ủy Tây Hồ) nhấn mạnh giải pháp về công tác dự báo của ngành Giáo dục. “Việc bố trí nguồn ngân sách, hay thu hút nguồn xã hội hóa đều cần công tác dự báo phát triển dân số thời hạn từ 5 năm đến 10 năm. Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp làm tốt việc này, từ đó tham mưu cho UBND thành phố quy hoạch trường lớp, nơi nào xây dựng trường công, nơi nào kêu gọi xã hội hóa xây dựng trường tư thục” - đại biểu Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Đồng tình với đề xuất trên, đại biểu Nguyễn Minh Tuân (Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố) cho rằng, hiện nay khâu hậu kiểm trong lĩnh vực đầu tư cho giáo dục ở các khu đô thị chưa tốt. Đại biểu đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu cho UBND thành phố thanh tra, kiểm tra, từ đó mới có số liệu để điều chỉnh mạng lưới trường học phù hợp, tiến tới là bố trí nguồn ngân sách đầu tư, cũng như kêu gọi xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Để giải quyết bất cập “các quận thiếu quỹ đất, các huyện thiếu tiền” đầu tư cho giáo dục, bà Lê Thị Thúy Nga, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Kiến trúc (Sở Quy hoạch và Kiến trúc) cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát, thống kê các trường khó khăn về quỹ đất để xem xét chủ trương nâng tầng, tăng phòng học, giảm quá tải… Còn về kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường đạt chuẩn quốc gia, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố đã đề nghị các huyện khó khăn về kinh phí sớm có đề xuất cụ thể với thành phố để tìm biện pháp hóa giải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.