Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng môi trường tiêu dùng an toàn hơn

An Nhiên| 12/04/2017 07:22

(HNM) - Hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” (ngày 15-3), TP Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động với thông điệp “Hàng hóa an toàn cho người tiêu dùng”, cùng nhiều chương trình có ý nghĩa góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng an toàn hơn.

Mua sắm tại các gian hàng trong “Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng”.


Nhiều sự kiện sôi động

Một trong những hoạt động nổi bật là “Tuần lễ tri ân người tiêu dùng”, đã diễn ra từ ngày 17 đến ngày 24-3-2017 với hoạt động của sự kiện “Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng” được tổ chức từ ngày 17 đến 19-3 tại khu vực nhà Bát giác - Vườn hoa Lý Thái Tổ. Hoạt động diễn ra với quy mô 60 gian hàng, tiêu biểu như Vinaphone, V+, Vinmart, Habeco, Hanosimex, Dabaco, Đức Việt, Hoàng Mai… 3 ngày diễn ra sự kiện đã thu hút khoảng 10.000 lượt khách tham quan. Habeco đã mở nắp hàng nghìn thùng bia, nước suối miễn phí để phục vụ người tiêu dùng.

Vinaphone đổi miễn phí hơn 1.000 sim 4G. Hàng trăm hộp sữa chua và nhiều phần quà giá trị khác được tặng cho người dân Thủ đô, khách du lịch trong nước, quốc tế tại tuyến phố đi bộ. Bên cạnh đó, một tuần lễ tri ân người tiêu dùng của 19 doanh nghiệp được tổ chức tại 50 điểm, phân bố đều tại các quận, huyện trên toàn thành phố, giúp người dân được hưởng nhiều chương trình ưu đãi. Hơn 10.000 các sản phẩm gia dụng, tiêu dùng như: Điều hòa, laptop, máy lọc nước, tủ lạnh,… được các doanh nghiệp miễn phí bảo trì, nhiều sản phẩm được tăng thời gian bảo hành, giảm giá, hoặc có quà tặng khi mua sắm trong tuần lễ này. Theo báo cáo, sau một tuần đã có khoảng 300.000 lượt người tiêu dùng mua sắm, tổng doanh thu tại các điểm ước tính đạt 231 tỷ đồng.

Nâng cao ý thức tự bảo vệ

Trong tháng 4 và tháng 5-2017 còn có các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người tiêu dùng và tầng lớp sinh viên trên địa bàn Hà Nội nhằm cung cấp kiến thức pháp luật, các kênh thông tin hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của họ, các tình huống thực tế… Thông qua những hoạt động đó, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội có liên quan cũng như trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc tự bảo vệ quyền lợi của mình sẽ được nâng cao.

Ngày 11-4, hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật đầu tiên được tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải, với 200 sinh viên tham gia. Các sinh viên rất hào hứng vì được thảo luận trực tiếp với các chuyên gia của Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương để hiểu rõ hơn về các quyền cho người tiêu dùng, những cách thức xử lý khi quyền lợi bị xâm phạm, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng trong hình thức bán hàng đa cấp.

Bạn Nguyễn Hoài Thu, sinh viên Đại học Công nghệ giao thông vận tải chia sẻ: “Ngoài việc đi học sinh viên thường kết hợp làm thêm để có kinh nghiệm và trang trải cuộc sống. Những quảng cáo tuyển dụng được làm việc trong môi trường năng động, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, được rèn luyện kỹ năng thường xuyên và có thu nhập tốt luôn làm chúng em quan tâm, nhưng quả thật chúng em cũng chưa hiểu biết nhiều, đặc biệt là về bán hàng đa cấp. Nhờ hội nghị hôm nay, chúng em nghĩ mình cũng đã hiểu rõ phần nào và biết tự bảo vệ mình hơn…”.

Sau hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật nêu trên, trong tháng 4 và đầu tháng 5, Ban tổ chức sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền tới sinh viên các trường đại học: Xây dựng, Văn hóa, Thương mại… Cùng với đó là các cuộc hội thảo có chủ đề “Hàng hóa an toàn cho người tiêu dùng” được tổ chức ở quận Hoàn Kiếm, huyện Mê Linh và một số doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng sẽ chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tích cực triển khai công tác kiểm tra giám sát các đơn vị sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng an toàn hơn. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng môi trường tiêu dùng an toàn hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.