Thị trường

Minh bạch, an toàn để bảo vệ người tiêu dùng

Thanh Hiền 17/03/2024 - 08:09

Tiếp nối thành công từ những năm trước, năm 2024, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” với thông điệp “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”.

Với nhiều điểm mới, chương trình sẽ phổ biến kiến thức pháp luật đến người tiêu dùng; kêu gọi trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung ứng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

nguoi-tieu-dung-lua-chon-sa.jpg
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy). Ảnh: Viết Thành

Giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh

Theo Sở Công Thương Hà Nội, với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, chương trình “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” muốn nhấn mạnh thông điệp về sự minh bạch thông tin đối với người tiêu dùng. Đồng thời, kêu gọi trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc thực hiện và bảo đảm môi trường tiêu dùng an toàn cho người tiêu dùng; tuyên truyền về quyền của người tiêu dùng được cung cấp thông tin, bảo đảm đưa ra các quyết định đúng và an toàn.

Cụ thể, trong khuôn khổ chương trình diễn ra các hoạt động nổi bật, gồm: Lễ phát động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” năm 2024; hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm xanh vì người tiêu dùng”, với quy mô khoảng 160 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, diễn ra từ ngày 24 đến 28-4, tại khu vực Quảng trường La Mã - An Bình City, số 234 đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện truyền thông, các lớp tập huấn, hội thảo; tổ chức tư vấn, giải đáp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua tổng đài tư vấn…

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong năm 2023, Sở Công Thương đã chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị tăng cường hiệu quả công tác thực thi pháp luật trên địa bàn thành phố nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra (472 cuộc), xác nhận 58 hợp đồng mẫu liên quan đến lĩnh vực điện, nước, mua bán căn hộ chung cư…

Đường dây nóng của thành phố và Sở Công Thương Hà Nội luôn là địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng gửi gắm niềm tin. Năm 2023, Sở đã giải quyết kịp thời, thỏa đáng 29 đơn kiến nghị phản ánh của người tiêu dùng; tiếp nhận và giải đáp 12.453 cuộc gọi qua tổng đài 024.1081 về Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của doanh nghiệp…

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục và hiệu quả, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho rằng, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương tổ chức các chương trình, sự kiện nhằm đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch kích cầu của thành phố và tri ân người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra (nhất là kinh doanh trên môi trường mạng), hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng; giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng...

Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng mới là chủ thể quan trọng và giữ vai trò quyết định. Họ cần nhận thức được rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là cơ sở để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.

Cụ thể, phía doanh nghiệp cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn. Bên cạnh đó, cần chú trọng cải tiến các dịch vụ truyền thống, củng cố và phát triển hệ thống phân phối; nghiên cứu xây dựng hệ thống, kênh bán hàng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Khi việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm, doanh nghiệp mới có thể chiếm lĩnh được niềm tin, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung khẳng định.

Cũng theo ông Vũ Văn Trung, người tiêu dùng cần có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; cẩn trọng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, bản thân người tiêu dùng cần mạnh dạn lên tiếng đề xuất, khiếu nại khi gặp vấn đề bị xâm hại quyền lợi để tham gia góp phần phát hiện, xử lý và xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.

Với mục tiêu kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước, thành phố Hà Nội mong muốn và tin tưởng rằng chương trình “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” năm 2024 sẽ tiếp tục nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Từ đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao hơn nữa nhận thức bảo vệ người tiêu dùng cho toàn xã hội, nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hiểu rõ được ý nghĩa của việc tôn trọng quyền của người tiêu dùng trong sứ mệnh phát triển Thủ đô và đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch, an toàn để bảo vệ người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.