(HNM) - Facebook hiện là mạng xã hội “hot” nhất. Là công cụ kết nối các cá nhân, nhóm xã hội trên phạm vi toàn cầu, đương nhiên sức ảnh hưởng từ Facebook là rất lớn, cả với cá nhân, gia đình, nhóm xã hội và thậm chí là quốc gia.
Gần 15 năm qua kể từ ngày Mark Zuckerberg, một sinh viên Đại học Harvard (Mỹ) bỏ học để dành thời gian phát triển trang mạng của mình và đổi tên nó thành Facebook, giờ đây, nhiều người đã đi đến nhận định rằng không thể ngăn cản Facebook, ít nhất là cho tới khi xuất hiện một mạng xã hội ưu việt hơn.
Tuy nhiên, dù khẳng định Facebook là công cụ kết nối hữu ích và bản thân nó trong đa số trường hợp không có tội trước những hệ lụy xảy đến với người dùng, người ta vẫn phải đưa ra lời cảnh báo về hiệu ứng “mặt trái” đối với những trường hợp lạm dụng công cụ này hoặc “tôn thờ” Facebook một cách thái quá.
Trong rất nhiều trường hợp, do không được trang bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng, người dùng đã phải trả giá rất đắt: Tự tử vì sức ép từ số đông trên mạng; vi phạm pháp luật vì xâm hại quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức, hay nhục mạ người khác…; bị lôi kéo vào những nhóm, tổ chức bất hảo; bị kẻ xấu lừa đảo, dẫn đến tan cửa nát nhà, gia đình tan vỡ; suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần do dành quá nhiều thời gian cho việc “lướt mạng”… Bởi vậy, với Facebook, người chọn tham gia mạng xã hội này cần phải xác định rõ tiện ích và hiểm họa đi liền với nhau, không thể nghĩ đơn giản “vui là chính”.
Do “tính hai mặt” nói trên nên ở những nghiên cứu gần đây về Facebook và ảnh hưởng của nó đối với người dùng, các chuyên gia đều đưa ra lời cảnh báo cũng như hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội an toàn, trách nhiệm. Những “nên” và “không nên” đã được đưa ra, dù có sự khác nhau ở cách diễn đạt hay cách tiếp cận, song bao giờ cũng hướng tới trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội - cả trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm công dân.
Đó là thông điệp chính xác bởi suy cho cùng, dù nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật có cố gắng dựng lên hàng rào luật pháp nhằm bảo vệ công dân, lợi ích quốc gia trước hệ lụy từ việc sử dụng mạng xã hội thì những cố gắng đó khó mang lại hiệu quả nếu mỗi cá nhân hành động thiếu trách nhiệm, thậm chí chủ động lợi dụng mạng xã hội để làm điều xấu, trái pháp luật.
Bởi vậy, trước ý kiến về trách nhiệm cá nhân, mỗi người có thể lắng nghe, tự cân đối với thực tế đang xoay vần quanh thế giới ảo để rút ra kết luận xem mình cần gì ở Facebook, nên ứng xử ra sao mỗi lần “lên phây”.
Mỗi người sử dụng mạng xã hội với một mục đích cụ thể, dù có mẫu số chung nào đó như giao lưu, kết bạn, chia sẻ cảm xúc, công việc thì cũng không thể giống nhau hoàn toàn. Sự riêng về “sở thích, sở ghét”, trình độ văn hóa, hiểu biết xã hội, môi trường sống, lĩnh vực chuyên môn, địa vị xã hội, khả năng về tài chính… là yếu tố khiến giữa các thành viên mạng xã hội luôn có sự khác nhau về nhiều mặt, sự ảnh hưởng lẫn nhau là rất khó tránh. Cùng hướng về điều tốt đẹp, việc thiện thì mọi việc ổn thỏa; ngược lại, điều xấu dễ xảy ra.
Bởi vậy, khi xử lý các mối quan hệ trên mạng, điều quan trọng là mỗi người tự vạch “ranh giới đỏ” để xác định điểm dừng. Ranh giới đó là mốc phân định điều đúng pháp luật và không, xấu và tốt, lợi và hại. Hiểu rõ điều đó để không bị tâm lý đám đông chi phối mà lỡ hòa giọng với cái ác, cái xấu làm hại người khác hoặc khiến mình lâm vào cảnh dở khóc dở cười.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.