Các quốc gia trong khu vực ASEAN cần kết nối chặt chẽ hơn để bảo vệ lẫn nhau trước những tác động bên ngoài”. Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Malaysia Sri Mulyani Indrawati tại diễn đàn Tương lai kinh tế châu Á, diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) ngày 12-9 tại Hà Nội.
Các đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN) |
Gần đây, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chịu tác động từ rất nhiều yếu tố như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đi kèm với những bất ổn địa chính trị. Giữa bối cảnh đó, diễn đàn “Tương lai kinh tế châu Á" tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách trong khu vực ASEAN thích nghi một cách tốt nhất trước những thách thức đến từ bên ngoài, từ đó đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bao trùm.
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất được đề cập đến là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục có động thái trả đũa lẫn nhau bằng các biện pháp thuế quan.
Nhận định về tác động của các những yếu tố này đối với khu vực ASEAN, ông Nazir Razak, Chủ tịch tập đoàn ngân hàng CIMB Group Holdings của Malaysia, cho hay trong những năm qua, ASEAN đã có sự phát triển kinh tế rất nhanh.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bối cảnh toàn cầu, khu vực này sẽ phải lo lắng nhiều hơn trong thời gian tới về sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như các phản ứng của Mỹ. Trước đây, các nhà lãnh đạo Mỹ là những người ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa, nhưng giờ đây họ lại trở nên ngày càng dân tộc hơn và thái độ đối với tăng trưởng của Trung Quốc cũng như thế giới là rất khác biệt.
Tuy nhiên, ông Nazir Razak cũng nói thêm rằng mặc dù căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động đến hoạt động và mô hình kinh doanh của CIMB song điều này lại có thể tạo ra những hiệu ứng tích cực đối với khu vực ASEAN, thông qua việc khuyến khích hoạt động sản xuất từ Trung Quốc chuyển sang những quốc gia khác, và đó có thể là tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, cũng như cơ hội để doanh nghiệp tại đây tăng cường khả năng cung ứng của mình. Có thể nói, tác động về mặt trung hạn cũng như về dài hạn là khá tích cực.
Để ứng phó với vấn đề căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ kéo dài, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Sri Mulyani Indrawati cho rằng việc quan tâm đến tâm lý thị trường là rất quan trọng, bởi vì nếu nhìn vào các cuộc khủng hoảng trong quá khứ thì yếu tố tâm lý có thể tạo ra những tác hại vượt qua ngưỡng chấp nhận được về mặt tài chính. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách có thể tính đến phương án thay đổi chính sách nếu họ nhận ra rằng những gì xảy ra trong quá khứ không còn phù hợp với điều mà hiện tại đang hướng tới.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Veerathai Santiprabhob cho rằng, các nền kinh tế cần có sự phối hợp tốt hơn giữa chính sách tiền tệ và tài khóa. Khi sợi dây này được nối dài sẽ tạo ra nhiều nguồn cung cho thị trường và dẫn tới quá trình bình thường hoá. Đây là điều mà Fed đã và đang làm. Vì thế, yêu cầu cấp thiết hiện nay là sự phối hợp giữa chính phủ với ngân hàng trung ương của các quốc gia, mà ở đó các chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ cần được kết nối chặt chẽ, hoặc thậm chí là kết nối với cả những chính sách về phát triển bất động sản trong nước, cùng những chính sách có liên quan khác.
Cùng đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng nền kinh tế ASEAN, các diễn giả tham gia diễn đàn đều đồng tình với quan điểm rằng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, cả khu vực châu Á và ASEAN đều có thể tự chủ động thiết lập những thị trường mới, miễn là các quốc gia cùng hợp tác với nhau để chống chọi lại những rủi ro. Bởi vì, nền kinh tế ASEAN có lợi thế sức tiêu thụ dồi dào và khu vực kinh tế trung lưu liên tục phát triển. Do đó, nếu nhìn vào khía cạnh tích cực hơn thì đây là một cơ hội để ASEAN trở nên vững vàng và độc lập hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.