Theo dõi Báo Hànộimới trên

WB công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12

Nguyễn Thúc| 14/12/2022 17:35

(HNMO) - Ngày 14-12, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12-2022.

Ảnh minh họa.

Báo cáo ghi nhận, nhiều yếu tố, nổi bật là nhu cầu bên ngoài yếu đi, tác động lớn tới tình hình xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, phục hồi nhu cầu tiêu dùng giai đoạn hậu Covid-19 giảm tốc, điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn và lạm phát gia tăng… được cho là sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước thời gian tới.

Nhu cầu bên ngoài suy giảm khiến tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 11 giảm còn 5,3% so cùng kỳ năm trước, là mức thấp nhất kể từ tháng 2-2022. Tuy nhiên, có sự khác biệt các lĩnh vực, như sản lượng máy tính, sản phẩm điện tử và quang học phục hồi, tăng từ 2,6% trong tháng 10 lên 5,6% trong tháng 11. Sản lượng máy móc cũng phục hồi từ mức 9,8% lên 17,2%. Sản lượng may mặc giảm từ 5,5% trong tháng 10 xuống còn 2,2% trong tháng 11...

Do “lợi thế” xuất phát điểm thấp liên quan đến giãn cách Covid-19 trong quý III-2021 mờ nhạt dần, tăng trưởng doanh số bán lẻ đã giảm từ 20,7% trong tháng 10 xuống 17,5% trong tháng 11. Trong khi đó, tốc độ phục hồi tiêu dùng trong 3 quý đầu năm cũng giảm. Tốc độ tăng doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 10,7% so với khoảng 12% thời kỳ trước đại dịch. Doanh số dịch vụ ăn uống và lưu trú tăng 5,3% trong tháng 11-2022 so với trước đại dịch. Tuy nhiên, doanh số dịch vụ lữ hành vẫn thấp hơn 37% so với tháng 11-2019. 

Lần đầu tiên kể từ tháng 10-2021 đến nay, xuất khẩu hàng hóa giảm còn 8,4%, với cùng lý do sức cầu bên ngoài yếu đi và do tác động xuất phát điểm thấp tính từ đợt phục hồi quý IV-2021.

Mặc dù số vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 1,9% so cùng kỳ, nhưng số giải ngân vốn FDI vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng vững vàng ở mức 14,4% so cùng kỳ năm trước.

Lạm phát CPI trong tháng 11 tăng lên đến 4,4% so cùng kỳ năm trước và cao hơn 0,3% so với tháng 10-2022; trong đó, giá lương thực thực phẩm và giá nhà ở là hai yếu tố đóng vai trò chủ đạo. Lạm phát cơ bản cũng tăng 4,8%, cao hơn 0,3% so với tháng 10.

Tăng trưởng tín dụng giảm từ 16,5% trong tháng 10 xuống 15% trong tháng 11 do điều kiện huy động tài chính trong nước bị thắt chặt sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng chính sách lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm bình quân ở mức cao 5,7% trong tháng 11. Đầu tháng 12, Ngân hàng Nhà nước công bố nâng trần tăng trưởng tín dụng thêm từ 1,5 - 2%.

Đồng tiền của Việt Nam tăng giá nhẹ trong tháng 11-2022 mặc dù mức tăng giá của tiền đồng vẫn thuộc dạng thấp nhất so với các đồng tiền lớn và đồng tiền của các quốc gia láng giềng.

Trong bối cảnh như trên, WB khuyến nghị, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá được linh hoạt hơn nữa nhằm hấp thụ những biến động trong môi trường bên ngoài. Cùng đó, phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ là điều kiện quan trọng để duy trì ổn định giá cả trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước gia tăng. 

WB cũng cho rằng, chiến lược chi tiêu thận trọng hơn và tập trung hơn vào đúng ưu tiên nhằm đảm bảo đầu tư cho vốn con người, hạ tầng xanh và thích ứng khí hậu sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu và tiềm năng của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WB công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.