(HNM) - Để tiếp tục tạo ra những tác phẩm hay, viết ra “chất” Hà Nội, đặc biệt là một Hà Nội đang rộng mở, thay đổi từng ngày hôm nay, là thách thức với mỗi cây bút.
Hà Nội, nguồn cảm hứng bất tận
Muốn viết ra “chất” Hà Nội, trước tiên ta phải hiểu cái “chất” ấy là gì. Giáo sư Phong Lê cho rằng, nét riêng, nét nổi đậm của người Hà Nội là thanh lịch. Nhà văn, nhà báo Trần Chiến diễn giải cặn kẽ hơn, đó là lối giao tiếp nhỏ nhẹ, có chừng mực, không vồ vập mà ý nhị, ưa nhâm nhi, lấy câu chuyện làm trọng, khá khó tính trong thưởng thức văn học nghệ thuật, ăn, uống, mặc, chơi.
Hà Nội luôn là đề tài, cảm hứng sáng tác của nhiều cây bút. |
Nhà thơ, nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị nhìn nhận bao quát rằng, phẩm chất Hà Nội là lịch sử với những chiến công hào hùng, là văn hiến lâu đời, là cảnh đẹp thiên nhiên gắn với con người không nơi nào có. Những phẩm chất này được bồi đắp lâu đời, được phát triển bền vững qua nhiều năm tháng trên một vùng đất, nơi mà con người biết sống vì cái đẹp, biết yêu chuộng vẻ đẹp tinh thần, biết giữ gìn danh dự cá nhân và cộng đồng, sống cởi mở, nhân ái…
Còn nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Hưng cho rằng, khái niệm phẩm chất Hà Nội cần suy ngẫm và nhìn nhận rộng hơn ở thời điểm này, khi Thủ đô Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, “ôm” cả vùng văn hóa xứ Đoài đã định hình. Những nét linh thiêng, hào hoa, thanh lịch được nhận ra nhiều ở nơi phố phường trung tâm. Còn vùng ngoại vi, các địa bàn trung du, miền núi có điểm nhận diện riêng, là vẻ gân guốc, rắn rỏi, mộc mạc…
Vậy thì, văn chương viết ra “chất” Hà Nội là phải ít nhiều “chạm” vào những điều trên. Nhưng cơ bản, theo nhà thơ Lê Thành Nghị, Hà Nội hội tụ, tập trung những phẩm chất tự nó đã mang những ý nghĩa sâu sắc về lịch sử, về cội nguồn, về thẩm mỹ, kích thích ý niệm về cái đẹp, tạo cảm hứng bất tận cho người viết. Giáo sư Phong Lê khẳng định, hầu như tất cả các tên tuổi lớn của văn học Việt Nam hiện đại đều gắn với Hà Nội. Họ được hưởng những gì Hà Nội có, và có đóng góp ít nhiều cho Hà Nội, tạo nên dòng văn học Hà Nội đặc sắc, riêng có, không lẫn với nơi nào.
Nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Sĩ Đại cho rằng, văn chương Hà Nội là những trang viết sang trọng, tài hoa và sâu lắng. Điều đó được thể hiện qua những áng thơ văn của Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Du… còn lưu lại, qua những ngòi bút thời kỳ hiện đại như Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi…
Dòng văn chương ấy vẫn được duy trì, phát triển mạnh mẽ qua trang viết của các tác giả Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Trần Chiến, Nguyễn Việt Hà… Một số cây bút đang trường lực với đề tài Hà Nội hiện nay có thể kể đến là Đỗ Phấn, Uông Triều, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Ngọc Tiến…
Cứ viết đi, đừng ngại
Đỗ Phấn được biết đến ở cả vai trò họa sĩ và nhà văn, giống như Phan Vũ tác giả trường ca “Em ơi Hà Nội phố” lay động người đọc vốn dĩ là họa sĩ. Nhắc đến hai người này là bởi họ đều rẽ ngang sang văn chương, thế mà đã và đang lưu lại tên mình trong những trang viết đậm chất Hà Nội. Đỗ Phấn đã có trên 20 cuốn sách về Hà Nội nhưng ông vẫn miên man với đề tài này. 4 cuốn sách mới của ông mở đầu cho “Tủ sách Hà Nội trong mắt một người” của Nhà Xuất bản Trẻ gồm “Bâng quơ một thời Hà Nội”, “Đi chơi Bờ Hồ”, “Ngẫm ngợi phố phường”, “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội” cho thấy, dù chỉ loanh quanh hồ Hoàn Kiếm mà còn nhiều góc nhìn, cách khai thác thú vị đến thế. Trong nhiều lần trò chuyện, hai tác giả này đều nói, khi vẽ chưa thể hiện đủ xúc cảm thì viết, nhưng trên tất cả, đó là trách nhiệm của bản thân trong việc lưu giữ những giá trị về Hà Nội.
Hà Nội tuy là mảnh đất hấp dẫn, ai cũng yêu quý và muốn bày tỏ cảm xúc, nhưng như nhà thơ Lê Thành Nghị nói, đề tài này đã quen thuộc nên không dễ gì có ngay sự sâu sắc, độc đáo. “Ai cũng biết cái khó của sự vượt qua lối mòn, vượt qua những sự quen thuộc. Mà vấn đề cốt tử của nghệ thuật là vượt qua những gì đã có. Đó là một thử thách đối với người sáng tạo. Nhưng cứ viết đi, đừng ngại. Có thể hết mình chưa đem lại kết quả như ý muốn nhưng điều đó thể hiện trách nhiệm, lương tâm của người sáng tạo trước đời sống, là thể hiện tình cảm yêu dấu của mình với Thăng Long - Hà Nội”, nhà thơ Lê Thành Nghị nêu ý kiến.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng gợi ý, các cây bút nên mở rộng cái nhìn về Hà Nội, cảm nhận, đón nhận và khai thác nhiều hơn nữa những dáng nét, biểu hiện đa dạng trong đời sống tâm hồn, tính cách con người Hà Nội nơi phố cổ, phố cũ, rồi những vùng đất mới của Thủ đô như nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy, các sáng tác sẽ đa dạng, phong phú và phù hợp với bối cảnh hôm nay.
Ngoài cảm xúc về Thủ đô thì mỗi người cầm bút đang sinh sống trên mảnh đất này đều nên có trách nhiệm sáng tác về Hà Nội. Bởi theo nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, những giá trị văn hóa, nét đẹp của Hà Nội khi đưa vào trang viết sẽ được lưu giữ lâu dài. Bên cạnh đó, văn chương sẽ góp phần bồi đắp nét thanh lịch, văn minh cho mảnh đất này, và giữ lại điều đó cho thế hệ mai sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.