Văn nghệ

"Nhiều cây bút trẻ rời khỏi văn đàn nhẹ nhàng như lúc đến"

An Nhi 28/11/2023 - 14:59

Hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ” diễn ra ngày 28-11, tại Hà Nội, trở thành diễn đàn "mổ xẻ" những vấn đề trong sáng tác văn học trẻ hiện nay.

Hội thảo do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức.

img_6229.jpg
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà văn, nhà thơ, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý... tạo nên diễn đàn sôi nổi.

Đề dẫn hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương nhấn mạnh, đây là diễn đàn để các nhà văn, nhà khoa học, nhà nghiên cứu làm rõ một số vấn đề về nâng cao năng lực sáng tác trẻ; đề xuất những giải pháp, nâng cao vai trò của các cơ quan nhà nước, các hội chuyên ngành về văn học trong việc tạo sự phát triển văn học trẻ.

Về tổng quan hoạt động văn học trẻ hiện nay, nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ cho biết, năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 tại Đà Nẵng. Có 138 đại biểu tuổi đời dưới 35 tham dự. Đây là số lượng đại biểu đông nhất nếu so sánh với 2 hội nghị liền kề trong 10 năm gần đây.

Đại biểu trẻ tuổi nhất sinh năm 2007 (thời điểm đó mới 15 tuổi). Tuy tuổi đời trẻ nhưng không ít người trong số họ sở hữu “gia tài” ấn tượng. Có thể kể tên là: Vũ Đức Anh, Huỳnh Lê Triều Phú, Phạm Minh Quân, Phát Dương, Trác Diễm, Vũ Thị Huyền Trang, Nguyễn Bình, Trang Nguyễn, Đinh Phương, Lý Hữu Lương, Văn Thành Lê, Lữ Thị Mai, Lê Quang Trạng, Phan Đức Lộc…

img_6230.jpg
Các đại biểu nêu vấn đề, giải pháp văn học trẻ hiện nay.

Nhà thơ Hữu Việt cũng đưa ra nhận định, tỷ lệ hội viên trẻ trong Hội Nhà văn Việt Nam (nếu tính đến tuổi 40) chỉ xấp xỉ 4%, còn nếu tính tuổi từ 35 trở xuống thì chỉ được khoảng 1,7%, một con số quá thấp và đã duy trì nhiều năm nay.

“Đa số cây bút trẻ được trang bị kiến thức tốt, tuy say mê sáng tác, viết ngày, viết đêm, một số nổi lên như những tiềm năng, thế rồi bỗng nhiên họ ngừng sáng tác, rời khỏi văn đàn nhẹ nhàng như lúc họ đến. Đây cũng là vấn đề cần đặt ra tại hội thảo”, nhà thơ Trần Hữu Việt nhấn mạnh.

Theo Trưởng ban Nhà văn trẻ, để nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ, cần chú trọng vấn đề đào tạo ở trong nước và đặc biệt là ở nước ngoài; tổ chức các cuộc thi văn học một cách minh bạch, ghi nhận, cổ vũ người trẻ; có chính sách hỗ trợ các cây bút trẻ xuất bản tác phẩm; tạo sự quan tâm, trân trọng của toàn xã hội với văn chương…

Nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, điều khó nhất đối với sáng tác văn chương trẻ hiện nay là sự tự thân nỗ lực để đủ sức đối diện với thực tế khắc nghiệt và giữ cho trái tim không khô cằn. Bởi nếu không đủ nghị lực, không có cảm xúc và không tìm tòi, làm mới trong thủ pháp, thi pháp sáng tác thì sẽ nhường dần “thiên đường” sáng tạo cho trí tuệ nhân tạo chiếm lĩnh.

Nhà văn Bích Ngân nêu ý kiến, để văn chương trẻ vận hành từ bề rộng đến đỉnh cao, cần có sự trợ lực của nhiều giới, nhiều ngành. Nhà nước cần có kế hoạch đặt hàng nhà văn trẻ, nhất là những đề tài thời sự, đồng thời, có chiến lược quảng bá tác phẩm văn học trẻ trong nước và ra thế giới…

Về định hướng và giải pháp cho việc đặt hàng, hỗ trợ sáng tác văn học cho các tác giả trẻ, Tiến sĩ - nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) cho rằng, cần đề ra các bộ tiêu chí cụ thể về đề tài, thể loại, dung lượng, đối tượng… dựa vào yêu cầu của nền văn học nước nhà và ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này để định hướng sáng tác cho những người trẻ viết đạt được thành công. Hoạt động hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật chất lượng cao của Nhà nước cần có tỉ lệ nhất định dành cho tác giả trẻ để nhiều người viết mới có động lực cầm bút và theo đuổi văn chương lâu dài…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Nhiều cây bút trẻ rời khỏi văn đàn nhẹ nhàng như lúc đến"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.