Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao Mỹ bán dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu F-35 cho I-ta-li-a ?

ANHTHU| 07/08/2006 09:34

Mỹ và I-ta-li-a vừa đạt được thỏa thuận cho phép I-ta-li-a có một dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu F-35 nhằm thỏa mãn nhu cầu mua và trang bị loại máy bay này của I-ta-li-a và cả châu Âu.

Máy bay chiến đấu F-35 bay thử sau khi được hoàn thiện

Mỹ và I-ta-li-a vừa đạt được thỏa thuận cho phép I-ta-li-a có một dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu F-35 nhằm thỏa mãn nhu cầu mua và trang bị loại máy bay này của I-ta-li-a và cả châu Âu.

Khi tin này được tiết lộ, không ít chuyên gia quân sự cảm thấy bất ngờ bởi vì F-35 là loại máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại, tầm tác chiến siêu xa, có tốc độ siêu âm, có khả năng cất cánh từ cự li ngắn và tích hợp nhiều công nghệ hàng không mũi nhọn hàng đầu của Mỹ. Việc Mỹ quyết định bán hay không bán F-35 cho nước nào đều xuất phát từ độ “nông sâu” trong quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự giữa Mỹ với nước đó. Vậy tại sao Mỹ lại dành “đặc ân” này cho I-ta-li-a ? Phải chăng quốc gia Địa Trung Hải này là đối tác tin cậynhất của Mỹ ?

Các chuyên gia phân tích cho rằng, hành động này của Mỹ trước tiên được xuất phát từ động cơ chính trị. Ai cũng biết, trước khi xẩy ra chiến tranh I-rắc năm 2003, Đức và Pháp là hai nước phản đối kịch liệt nhất ý đồ thực hiện đòn tấn công quân sự đối với I-rắc của Mỹ. Chính vì điều này mà quan hệ giữa Mỹ với Đức và Pháp bị sứt mẻ, thậm chí có lĩnh vực còn đình trệ. Trong khi đó, mặc dù I-ta-li-a không kiên định và giúp đỡ Mỹ trong cuộc chiến chống I-rắc nhiều, tích cực như Anh, nhưng cũng đã có hành động ủng hộ Mỹ một cách thực tế. Do vậy, việc Mỹ dành cho I-ta-li-a sự “hậu đãi” trên ở một chừng mực nào đó muốn tỏ lòng “tri ân” đối với I-ta-li-a, buộc Pháp và Đức phải suy nghĩ về “hậu quả” của việc chống Mỹ trước đây. Đồng thời, thông qua hành động này Mỹ muốn nâng cao khả năng tác chiến của không quân I-ta-li-a để nhắm tới một cái đích cao hơn, đó là tăng cường sức mạnh quân sự của I-ta-li-a trong khối NATO nhằm kiềm chế các nước đang nhiệt thành cổ súy cho dự án xây dựng quân đội chung của Liên minh châu Âu (EU) như Đức, Pháp… Nhưng nếu chỉ xuất phát từ động cơ chính trị, về lý mà nói sự hậu đãi này của Mỹ phải dành cho Anh (?). Tuy nhiên, ngành công nghiệp hàng không của Anh rất phát triển, đã và đang cho ra đời nhiều chủng loại máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát tàng hình không người lái buộc người Mỹ phải thán phục. Bên cạnh đó, Anh còn hợp tác với Pháp, Đức, Hà Lan, I-ta-li-a… nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình ACA nhằm phá bỏ sự lũng đoạn của Mỹ trong lĩnh vực này. Nếu được phép xây dựng nhà máy sản xuất F-35, Mỹ lo rằng Anh có thể nhanh chóng nắm được những bí quyết công nghệ sử dụng để chế tạo F-35, đặc biệt là sẽ tìm ra những điểm hạn chế của F-35, từ đó cho ra lò sản phẩm máy bay chiến đấu tàng hình ACA có tính năng vượt trội so với F-35. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ tự mình cắt bỏ thị phần sau này của F-35 trên thị trường máy bay chiến đấu ở châu Âu. Cho phép I-ta-li-a, một nước có công nghệ hàng không tương đối lạc hậu ở châu Âu xây dựng nhà máy sản xuất F-35, Mỹ cơ bản không phải lo lắng về vấn đề trên. Không những vậy, Mỹ còn có thể li gián I-ta-li-a với các nước tham gia vào dự án nghiên cứu chế tạo máy bay ACA, hoặc chí ít là cũng phân tán sự tập trung đầu tư trong lĩnh vực phát triển máy bay chiến đấu của I-ta-li-a.

Với tư cách là nước hưởng lợi từ sự cho phép xây dựng nhà máy sản xuất máy bay F-35 của Mỹ, nhưng chắc chắn I-ta-li-a không thể trọn niềm vui. Bởi Mỹ sẽ vĩnh viễn giữ lại cho mình những công nghệ chủ chốt làm nên F-35 và I-ta-li-a không bao giờ có được một chiếc F-35 hiện đại bằng chiếc F-35 do chính Mỹ sản xuất. Thực tế hơn 50 năm xuất khẩu máy bay quân sự của Mỹ cho thấy, khi Mỹ bán cho nước ngoài phiên bản A, B thì Mỹ đã sử dụng phiên bản C, D. Như thường lệ, Mỹ sẽ không tiết lộ công nghệ chế tạo vật liệu hấp thụ sóng, công nghệ tàng hình, bí quyết rút ngắn cự li cất cánh và đặc biệt là phần mềm điều khiển các chức năng của máy bay. Vì vậy, việc sản xuất F-35 của I-ta-li-a về mặt nào đó chỉ dừng lại ở lắpráp và sản phẩm ra đời chỉ là hàng loại 2 !

Nam Khánh

(Theo Thời báo Hàng không vũ trụ Mỹ)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Mỹ bán dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu F-35 cho I-ta-li-a ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.