(HNM) - Lễ phát động toàn dân chung tay nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam sẽ được tổ chức trọng thể vào 20h ngày 19-12, tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội. Thông qua sự kiện này, dư luận kỳ vọng
Tuyên truyền: Giải pháp đầu tiên!
Theo ông Lâm Quang Thành, Lễ phát động toàn dân chung tay nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam là một điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động nhằm phục vụ, triển khai Đề án 641 - một đề án có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28-4-2011 tại Quyết định số 641/TTg. Theo quyết định này, Bộ VH-TT&DL là cơ quan thường trực đề án, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và phê duyệt các chương trình thành phần của đề án với mục tiêu "phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ của người Việt Nam".
Phân tích tầm quan trọng của việc nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam, ông Thành nhận định: "Hiện nay, so với các tiêu chuẩn chung của quốc tế, thể lực và tầm vóc người Việt Nam còn khiêm tốn, thua kém nhiều nước trong khu vực. Tình trạng này nếu chậm khắc phục sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực vốn đứng trước yêu cầu ngày càng cao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Trong bối cảnh nguồn kinh phí ngân sách hạn hẹp, Ban Điều phối Đề án đã coi giải pháp hàng đầu trong thời điểm hiện nay là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, huy động các nguồn lực xã hội thực hiện đề án.
"Mỗi chương trình đều đặt ra mục tiêu và thu được kết quả khác nhau. Vậy đâu là thước đo giá trị thực sự của Đề án 641?" - Trả lời câu hỏi này, ông Lâm Quang Thành nhấn mạnh: "Đề án 641 đã đặt ra các tiêu chí rất cụ thể, toàn diện đối với thể lực, tầm vóc người Việt Nam đến năm 2030. Thứ nhất, nâng nhận thức để làm thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm mạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng, cải thiện các chỉ số cơ bản của trẻ em 5 tuổi và bảo đảm các tiêu chí đánh giá thể lực, tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam lứa tuổi trưởng thành. Thứ hai, cải thiện tầm vóc thanh niên Việt Nam với nhịp độ tăng trưởng ổn định theo các tiêu chí: Đối với nam 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình 167cm, năm 2030 là 168,5cm; nữ năm 2020 cao trung bình 156cm, năm 2030 là 157,5cm".
6.000 tỷ đồng thực hiện đề án - lấy từ đâu?
Đề án tổng thể về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 bao gồm 4 chương trình thành phần. Chương trình 1 Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam. Chương trình 2 Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan. Chương trình 3 Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 tuổi đến 18 tuổi. Chương trình 4 Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030. Trong đó, chương trình 1 và 2 do Bộ Y tế chủ trì. Còn chương trình 3 và 4 do Bộ VH-TT&DL chủ trì. Tổng kinh phí thực hiện đề án ước tính lên đến 6.000 tỷ đồng. Nói về con số này, ông Lâm Quang Thành nhấn mạnh: "Đây là một chương trình quốc gia đặc biệt đối với thể lực và tầm vóc của một dân tộc, kéo dài tới 20 năm. Vì vậy, dù có thể phải đầu tư 6.000 tỷ đồng, cũng rất đáng làm".
Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng, kinh phí thực hiện đề án gồm các nguồn: Ngân sách nhà nước (TƯ và địa phương), xã hội hóa, huy động các nguồn ODA, vốn tín dụng ưu đãi, các nguồn thu từ cá cược thể thao… Trong đó, ngân sách nhà nước chủ yếu dành cho hoạt động vĩ mô và hỗ trợ vùng sâu, vùng xa. Ông Lâm Quang Thành chia sẻ: Ban điều phối xác định nguồn vốn huy động từ ODA, xã hội và tài trợ sẽ là nguồn trọng điểm, tập trung phục vụ cho các hoạt động thi đấu TDTT trường học, xây dựng cơ sở vật chất tập luyện TDTT, dinh dưỡng học đường. Ngay kinh phí cho lễ phát động sắp tới cũng đều lấy từ nguồn xã hội hóa, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp.
Suy cho cùng, vấn đề không phải ở con số 6.000 tỷ đồng mà phải xác định việc nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam mới là vấn đề trọng yếu, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn dân. Vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình cần quan tâm đến việc giáo dục, bồi dưỡng cho trẻ để có những thế hệ nối tiếp nhau phát triển về thể lực, trí lực, chiều cao thân thể, nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo kết quả nghiên cứu được nêu trong Đề án 641, hiện nay, nam thanh niên Việt Nam 20 tuổi cao hơn 4,7cm so với năm 1975 (163,7cm và 159cm); nữ cao hơn 4cm (153cm và 149cm). Quyết định phê duyệt Đề án 641 của Chính phủ đã đề ra những mục tiêu cụ thể cho chương trình, như năm 2020, chiều cao trung bình nam 18 tuổi đạt 167cm, nữ 18 tuổi đạt 156cm; năm 2030, các con số tương ứng là 168,5cm nam và 157,5cm nữ. Về chỉ tiêu cải thiện thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh: Với nam 18 tuổi, chỉ tiêu đề ra là chạy tùy sức 5 phút đạt trung bình 1.050m năm 2020 và 1.150m năm 2030; lực bóp tay thuận đạt trung bình 45kg năm 2020 và 48kg năm 2030. Còn đối với nữ, các con số tương ứng là chạy 5 phút đạt 850m năm 2020 và 1.000m năm 2030; lực bóp tay thuận đạt 30kg năm 2020 và 34kg năm 2030. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.