(HNM) - Dự báo thời tiết năm 2018 tiếp tục diễn biến bất thường do tần suất bão ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội tăng, lượng mưa vượt trung bình trong các tháng cao điểm mùa mưa từ 5% đến 10%...
Trạm bơm Yên Nghĩa đang được xây dựng để tiêu thoát nước cho toàn bộ khu vực phía Tây Hà Nội.Ảnh: Bá Hoạt |
"Dò" điểm úng ngập qua điện thoại
Theo ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, các công việc liên quan đến bảo đảm thoát nước mùa mưa 2018 được hoàn thành trước ngày 30-3. Công ty đã sử dụng thiết bị cơ giới nạo vét kênh, mương, sông. Trong đó, các tuyến kênh dẫn vào, ra các trạm bơm như Yên Sở, Đồng Bông I, II, Cổ Nhuế, Bắc Thăng Long - Vân Trì được nạo vét, bảo đảm phục vụ đủ công suất các trạm bơm. Cùng với đó là thực hiện nạo vét các tuyến mương, công trình nông nghiệp có khả năng phục vụ tiêu thoát nước từ nội thành chảy ra, như hệ thống mương lưu vực Ba Xã, trạm bơm Cầu Bươu, tuyến mương trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Các tuyến sông Tô Lịch, Kim Ngưu, kênh bao, kênh khẩn cấp, kênh thông thường trạm bơm Yên Sở... cũng được nạo vét bảo đảm khả năng đưa nước nhanh nhất về trạm bơm Yên Sở...
Từ cuối năm 2016, công ty đã thành lập Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước thành phố với chức năng dự báo, giám sát diễn biến mưa, lượng mưa, mực nước và giám sát hoạt động của các trạm bơm, đập điều tiết trên hệ thống thoát nước. Được biết, để vận hành trung tâm, công ty đã bố trí 41 trạm đo mưa tự động tại trên 20 quận, huyện; 30 trạm đo mực nước tự động theo thời gian thực (gồm 17 trạm đo mức nước sông và 13 trạm đo mức nước hồ). Hệ thống giám sát vận hành các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, II, Cổ Nhuế, Bắc Thăng Long - Vân Trì được bảo đảm liên tục 24/7 giúp công ty trực tiếp điều hành giải quyết thoát nước khi mưa. Đáng chú ý, các thông số của Trung tâm đã được liên kết với cổng thông tin điện tử của TP Hà Nội tại địa chỉ http://hanoi.gov.vn hoặc tại địa chỉ http://thoatnuochanoi.vn để người dân có thể truy cập, nắm bắt tình tình diễn biến các trận mưa, điểm úng ngập trên địa bàn.
“Từ đầu tháng 4-2018, Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước thành phố triển khai thử nghiệm phần mềm HSDC Maps - cảnh báo úng ngập và gợi ý chỉ đường trên điện thoại thông minh với chức năng cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh camera của điểm ngập. Phần mềm này có thể tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố về trung tâm để xử lý, có thể tải miễn phí về điện thoại sử dụng hệ điều hành IOS và Android để sử dụng” - ông Lê Vũ Quảng Sương cho biết.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng lắp đặt 15 camera giám sát điểm úng ngập tại 9 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hoàng Mai.
Còn 15 điểm úng ngập cục bộ tại các tuyến phố chính
Nạo vét, khơi thông dòng chảy trên sông Nhuệ. Ảnh: Lê Tuấn |
Nếu như trước mùa mưa năm 2017, tại các tuyến phố chính thuộc khu vực nội thành Hà Nội vẫn tồn tại 18 điểm úng ngập cố hữu, thì đến năm nay, đã cơ bản giải quyết được 3 điểm úng ngập. Đó là các điểm úng ngập tồn tại nhiều năm tại ngã ba Phan Đình Giót - Quang Trung (quận Hà Đông); đường Yên Nghĩa (Bến xe Yên Nghĩa, ngã ba Ba La, quận Hà Đông); đường Cổ Linh (quận Long Biên). Hiện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đang triển khai dự án công trình thoát nước tại 3 điểm ngập (đường Giải Phóng, phố Phan Văn Trường và ngã năm Đường Thành - Nhà Hỏa - Bát Đàn) dự kiến hoàn thành trước mùa mưa 2018.
Trao đổi với báo chí ngày 21-4, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, tại điểm ngập lớn nhất là khu vực ngã năm Đường Thành (quận Hoàn Kiếm), công ty đã đề xuất giải pháp xây dựng một hồ điều hòa nhân tạo ngay trước cửa Trung tâm thương mại Hàng Da.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý hạ tầng (thuộc Sở Xây dựng) cho biết, các điểm ngập ở phố Đội Cấn do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội là chủ đầu tư; điểm úng ngập ở phố Hoa Bằng do UBND quận Cầu Giấy là chủ đầu tư. Cả hai dự án này sẽ được khởi công trong quý II và hoàn thành trong năm 2018. Nếu cường độ mưa trong khoảng 50-100mm/2 giờ, Hà Nội vẫn còn 15 điểm úng ngập tại các tuyến phố chính. Ngoài ra, còn các điểm ngập cục bộ tồn tại do mới tiếp nhận bàn giao tại các ngõ, ngách khu dân cư nội thành. Một số điểm khác đang được các chủ đầu tư triển khai biện pháp chống úng ngập như: Đường Phạm Văn Đồng (thuộc Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long); đường Trường Chinh (Dự án đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng); phố Hoàng Như Tiếp, phố Ngọc Lâm (Dự án cống nối thông 3 hồ Đầu Băng, Tư Đình, hồ Vục); phố Minh Khai - cống hóa mương Vĩnh Tuy.
Như vậy, mùa mưa năm nay vẫn còn 15 điểm úng ngập cục bộ tại các tuyến phố nội thành. Đó là còn chưa kể đến các điểm ngập sẽ xuất hiện trong điều kiện mưa to liên tục trong thời gian trên 2 giờ tại các ngõ xóm, khu dân cư tại một số địa bàn quận Hoàng Mai, Đống Đa... Để giải quyết tình trạng này, ngoài các “kịch bản” cụ thể ứng phó trong điều kiện mưa vừa (dưới 50mm/2 giờ), mưa to (50-100mm/2 giờ), mưa rất to (trên 100mm/2 giờ), Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội còn áp dụng giải pháp “cứu” úng ngập tại chỗ. “Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút, stec, các phương tiện cơ giới, các trạm bơm cục bộ để bơm nước chống úng ngập tại một số điểm trũng trên các trục đường chính nhằm giải tỏa úng ngập khi mưa lớn” - Phó Tổng Giám đốc Lê Vũ Quảng Sương cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.