(HNM) - Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020.
Theo Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm, từ khi triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (tháng 6 hằng năm, bắt đầu từ 2009) đến nay, tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2010 tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con là 10,8% thì đến năm 2015, tỷ lệ này giảm còn 2,8% và hiện nay giảm còn 1,93% - đạt tiêu chuẩn loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), để giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, phụ nữ chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần đi làm xét nghiệm trước khi mang thai, hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ để được điều trị thuốc ARV (thuốc kháng vi rút HIV) càng sớm càng tốt nếu dương tính với HIV. Việc xét nghiệm HIV sớm và điều trị sớm bằng ARV là yếu tố quyết định. Thuốc ARV không ảnh hưởng đến thai nhi nên trước, trong và sau khi mang thai, bệnh nhân nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị ARV liên tục.
Bên cạnh đó, thai phụ cần thường xuyên xét nghiệm tải lượng vi rút trong máu để biết tải lượng vi rút có tăng cao hoặc có gặp vấn đề kháng thuốc hay không. Bệnh nhân mang thai cần giữ ở mức tải lượng vi rút dưới ngưỡng 200 bản sao/ml máu mới bảo đảm thấp nhất khả năng lây truyền qua con.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.