(HNM) - Từ ngày 6-1-2016, Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, xe ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên, xe rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ nằm trong danh mục bắt buộc phải trang bị phương tiện PCCC.
Căn cứ theo danh mục thiết bị PCCC, ô tô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4kg… Tóm lại là phải trang bị ít nhất một bình cứu hỏa thuộc bốn dạng sau: Bình chữa cháy dạng bột, bình chữa cháy dạng bọt, bình nước pha phụ gia hoặc bình CO2. Ô tô không trang bị phương tiện PCCC sẽ bị xử lý căn cứ vào Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, PCCC với mức phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
Và trong khoảng chục ngày đầu năm mới 2016, thị trường bán bình cứu hỏa cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đặc biệt là ô tô từ 4 tới 9 chỗ ngồi lập tức lên cơn… sốt. Nói cách khác là… "bốc hỏa".
Chưa biết quy định mới khi thực hiện sẽ phát huy hiệu quả trong PCCC đến đâu nhưng đó cũng là tín hiệu đáng mừng bởi vì rõ ràng ý thức chấp hành pháp luật của người dân đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, khảo sát cụ thể tại thị trường, ở khía cạnh khác không tránh khỏi sự băn khoăn vì người dân thực hiện điều đó do yếu tố hình thức (tức là tránh bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm) chứ không phải vì sự an toàn về tính mạng, tài sản của bản thân. Ấy là chưa kể tới việc có thể gặp phải nguy hiểm hơn trong việc thực hiện quy định này vì tới giờ G trong triển khai thực hiện vẫn còn quá nhiều lỗ hổng, chưa được cơ quan chức năng quy định, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ.
Một luật sư có ý kiến, Thông tư 57/2015/TT-BCA quy định về trang bị bình chữa cháy trên ô tô song không hướng dẫn lắp đặt ở vị trí nào thì an toàn và đúng chuẩn. Việc lắp đặt thêm phương tiện PCCC trên xe không có sẵn vị trí lắp đặt có thể ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của lái xe, an toàn của người ngồi trên xe hoặc không bảo đảm khả năng PCCC khi sử dụng nếu xảy ra tình huống. Cùng với đó, Thông tư chỉ quy định dung tích tối đa mà không quy định dung tích tối thiểu của bình như hiện nay sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng chống đối, có đặt bình PCCC nhưng chỉ để cho đẹp, để không vi phạm quy định chứ không phải nhằm sử dụng PCCC.
Một người dân có ý kiến, nước ta có khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt nên mùa hè nhiệt độ ngoài trời lên 40 độ C là chuyện bình thường, khi đó, nhiệt độ trong ô tô có thể lên tới 60-70 độ C là nguyên nhân khiến bình cứu hỏa có thể phát nổ (có thể do trục trặc kỹ thuật như van bị hỏng, bình không còn khả năng điều áp…). Đáng chú ý, các bình chữa cháy dành cho ô tô đều khuyến cáo đặt ở nơi thoáng mát, nhiệt độ không quá 50-55 độ C.
Chủ một cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động cho biết, mấy ngày qua bình cứu hỏa rất khan hiếm, giá tăng 4-5 lần so với mức bình thường. Cơ quan chức năng không quy định cụ thể chủng loại hàng nào bảo đảm chất lượng, chúng tôi cũng chỉ biết nhập hàng về để bán theo quy luật cung - cầu, còn chất lượng ra sao thì… hồi sau mới rõ.
Một đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: Nếu cứ giữ quy định trên, sau này người dân mua phải hàng trôi nổi, rồi những lý do kỹ thuật khác khiến bình cứu hỏa phát nổ, gây hại cho người dân thì lúc đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Trên đây là vài vấn đề cơ quan chức năng ban hành Thông tư 57/2015/TT-BCA cần xem xét và có câu trả lời thỏa đáng hoặc tiếp tục đưa ra những… "gạch đầu dòng" phù hợp để thực hiện có hiệu quả quy định này. Suy cho cùng, mọi cơ chế, chính sách, quy định ban hành đều do con người đặt ra, ban hành và quy ước với nhau để cùng thực hiện, hướng tới hiệu quả là giải quyết những bất cập tồn tại trong xã hội. Cơ chế, chính sách hay quy định ban hành ra chỉ thỏa mãn yêu cầu hình thức thì chắc chỉ có tác dụng trên… giấy hay trên mặt bàn. Và các ngành chức năng đã có quá nhiều bài học khi ban hành ra những quy định không thể đi vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.