(HNM) - Hiện nay, diện tích trồng hoa, cây cảnh toàn TP Hà Nội đạt 2.700ha, nhiều làng chuyên trồng sinh vật cảnh như: Xâm Xuyên, Cơ Giáo (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín), xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất), xã Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ)…
Khách tham quan Triển lãm sinh vật cảnh huyện Phúc Thọ lần thứ II. |
Xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) nổi tiếng với nghề mộc, nhưng nhiều gia đình vẫn có góc nhỏ cho đam mê sinh vật cảnh. Ông Phan Văn Đoan - một trong những người đam mê sinh vật cảnh ở Hữu Bằng cho biết: Từ xưa, người dân Hữu Bằng đã có thú chơi cây. Chỉ cần một chiếc vại mẻ hay lu vỡ, qua bàn tay con người, ngay lập tức trở thành chậu cây độc đáo. Bởi vậy, nhiều hộ dân ở đây vẫn lưu giữ được những cây có tuổi đời hàng trăm năm. Một trong những di sản đó là “Cây sanh lá móng” của anh Nguyễn Kiêm Thực có tuổi đời khoảng 100 năm, thế rất đẹp, được nhiều người chiêm ngưỡng...
Ấn tượng nhất là góc vườn của gia đình ông Phan Văn Đoan có khoảng 100 cây sanh, si, đa… Ông Đoan cho biết, chơi cây để phục vụ thú vui bản thân là chính, nhưng nếu gặp khách muốn mua thì được thêm thu nhập. Chính vì vậy, những năm trước đây, tuy suy thoái kinh tế, thị trường cây cảnh chững lại, nhưng nghề trồng cây cảnh ở Hữu Bằng vẫn không bị ảnh hưởng... Hiện, cả xã Hữu Bằng có khoảng 200 hộ trồng cây cảnh, trong đó, Câu lạc bộ Sinh vật cảnh của xã thu hút 60 người tham gia...
Nếu như ở xã Hữu Bằng, người dân làm cây cảnh chỉ là nghề "tay trái”, thì ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) lại là nghề chính. Xã Hồng Vân có 2 thôn: Xâm Xuyên và Cơ Giáo đều được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết: Cách đây hơn chục năm, xã có hàng trăm hộ trồng các loại cây thế cho giá trị cao.
Tuy nhiên, để thích ứng với nhu cầu thị trường, hiện nay, người dân Hồng Vân chuyển từ trồng và kinh doanh cây cao cấp sang các loại cây nhỏ hơn với mức giá "bình dân" từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Cũng từ cây cảnh, thành viên Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân còn chung sức xây dựng các khuôn viên đẹp với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng...
Với đặc thù quỹ đất canh tác không nhiều nên những năm qua, TP Hà Nội có chủ trương vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm khai thác tối đa giá trị đất đai. Hoa, cây cảnh là một trong những cây trồng phù hợp được nhiều nông dân lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Luyến ở thôn Mỹ Giang (xã Trạch Mỹ Lộc) chuyên trồng hoa hồng cho biết: Gia đình chị Luyến đã chuyển đổi 5 sào trồng lúa sang trồng hoa hồng chậu cho thu nhập cao gấp hàng chục lần so với cấy lúa. Mà trồng cây cảnh không vất vả như trồng lúa, trồng rau...
Ông Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết, đến nay huyện đã có nhiều làng chuyên nghề trồng hoa, cây cảnh như: Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc... Nhờ phong trào này mà Phúc Thọ được đánh giá là “vành đai xanh” của Thủ đô Hà Nội. Không chỉ thế, sinh vật cảnh còn là nhân tố tích cực trong xây dựng nông thôn mới, góp phần trong tái cấu trúc ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, phát triển bền vững...
Hiện tại, UBND huyện Phúc Thọ đang tổ chức “Triển lãm sinh vật cảnh lần thứ II” với quy mô lớn, kéo dài hết ngày 19-12. Triển lãm thu hút rất nhiều câu lạc bộ sinh vật cảnh toàn quốc với hàng nghìn cây cảnh có giá trị nghệ thuật cao, tạo “sân chơi” cho người yêu sinh vật cảnh; đồng thời, cổ vũ, khích lệ nhân dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới...
Từ hiệu quả đa chiều cho thấy, cây cảnh không chỉ là thú chơi thanh cảnh mà còn cho thu nhập khá, giúp nông dân làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.