Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự lực, tự cường, bảo đảm an ninh năng lượng

Gia Khánh| 11/04/2022 06:26

(HNM) - Chủ trì cuộc họp về tình hình cung ứng điện, cấp than, khí cho sản xuất điện, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm, phải thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng cường tính tự chủ, tự lực, tự cường của ngành Điện, giảm phụ thuộc vào bên ngoài, giảm nhập khẩu.

Cuộc họp diễn ra vào ngày 3-4, trong bối cảnh ngành Điện chịu áp lực về sản xuất khi lượng than cung cấp cho nhiệt điện bị thiếu hụt. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 3-2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than phải dừng hoặc giảm phát. Toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt hơn 3.000MW. Để bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội với nhu cầu tăng cao hơn kế hoạch, EVN đã huy động thủy điện và điện khí (lần lượt là 2,17 tỷ và 1,01 tỷ kWh) bù đắp thiếu hụt của nhiệt điện than. EVN tính toán, giai đoạn 2022-2025, các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành luôn thấp hơn tăng trưởng phụ tải nên việc bảo đảm cung cấp điện ngày càng khó khăn, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng nắng nóng.

Thực tế, ngành Điện nhiều năm qua đã đầu tư, phát triển mới nguồn điện, với nhiều công trình lớn. Kết cấu hạ tầng của ngành phát triển nhanh, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới. Các quy hoạch điện tiếp tục được cập nhật, xây dựng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện cục bộ vẫn xảy ra ở một số thời điểm, nhất là khi có tác động từ bên ngoài. Nhìn rộng hơn, mục tiêu bảo đảm điện, bảo đảm an ninh năng lượng còn nhiều thách thức, nguồn cung trong nước không đáp ứng yêu cầu mà phải nhập khẩu (như nhập khẩu than cho phát điện là ví dụ). Thách thức này càng lớn hơn khi tỷ lệ giữa nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong đó có điện, so với tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) ở Việt Nam là hơn 2 lần, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này là dưới 1.

Đối với nền kinh tế, tăng trưởng GDP gắn liền với gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là về điện. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế càng cao, nhu cầu điện càng lớn. Năm 2022, Việt Nam thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo nên càng đòi hỏi bảo đảm cân đối về năng lượng. Cân đối năng lượng hay bảo đảm an ninh năng lượng cũng là đòi hỏi lâu dài, cho sự phát triển bền vững.

Ngay từ cuối tháng 12-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1813/CĐ-TTg về việc dự báo nhu cầu điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm cung ứng điện năm 2022 và các năm tiếp theo, giao các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai giải pháp bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung ứng điện an toàn, tin cậy cho mọi mặt sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TƯ “Về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, một trong những yêu cầu đề ra là cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỷ kWh. Đáng chú ý, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; khoảng 25-30% vào năm 2045.

Như vậy, tự lực, tự cường để tự chủ sản xuất, cung ứng điện vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài.

Tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện, cấp than, khí cho sản xuất điện, bảo đảm cân đối lớn về năng lượng trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải bảo đảm cân đối lớn về điện và năng lượng, không để khủng hoảng về năng lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng, đồng thời bảo đảm giá hợp lý không gây tác động tiêu cực tới lạm phát… Để tăng cường tính tự lực, tự cường, tự chủ của ngành Điện, giảm phụ thuộc bên ngoài, giảm nhập khẩu, phải vừa có giải pháp trước mắt, tình thế, vừa có giải pháp căn cơ, lâu dài. Trong đó, những việc cấp bách là khai thác hết công suất, điều chỉnh nguồn điện phù hợp. Các doanh nghiệp thực hiện ngay các hợp đồng, kế hoạch đã ký kết, giải quyết ngay ách tắc cục bộ, đồng thời bảo đảm ổn định, hạn chế “cú sốc” trong sản xuất, kinh doanh. Để hướng tới phát triển bền vững, phải tăng cường phát triển năng lượng tái tạo phù hợp tình hình, điều kiện; sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích ứng dụng công nghệ tăng năng suất lao động trong lĩnh vực năng lượng; hoàn thiện các cơ chế, chính sách với sản xuất, kinh doanh, cung ứng điện, than, khí, các nguồn năng lượng tái tạo để bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tự lực, tự cường, bảo đảm an ninh năng lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.