(HNM) - Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức tọa đàm về chủ đề
Để chuyển tải trọn vẹn quan điểm về vấn đề nói trên, phóng viên Báo Hànộimới xin ghi lại ý kiến của các nhà văn, nhà lý luận phê bình đã tham gia tọa đàm và cả những cây bút dù không có điều kiện góp mặt nhưng rất quan tâm đến chủ đề này...
Nhà văn Hoàng Quốc Hải
Có thể nói đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một buổi tọa đàm riêng về "Tự do sáng tạo văn học nghệ thuật" theo đề nghị của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TƯ.
Thật ra, tự do sáng tạo văn học nghệ thuật là luôn luôn cần thiết. Tôi chưa từng nhận được chỉ thị nào về việc cấm tự do sáng tạo. Có chăng là tâm lý "tự kiểm duyệt", rằng viết ra thế này thì có được in không, có bị cắt không...?
Để có tự do sáng tạo đúng nghĩa thì nhà văn phải có tư duy độc lập, trả lời thẳng thắn câu hỏi viết vì ai, viết vì cái gì? Nếu thực sự viết vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì dân tộc thì không có gì để sợ... Nhà văn không làm việc kích động. Chức năng của văn học là khai phóng, khai thị và giáo hóa. Bởi văn chương có cốt cách, có tư tưởng chính là linh hồn của dân tộc. Khi anh làm đúng trách nhiệm công dân, thiên chức nhà văn mà có sự ngăn cấm thì người ngăn cấm phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Văn chương cũng là tư tưởng. Nhà văn có tư tưởng lớn không ám chỉ những điều lặt vặt. Khi nhân vật đã là điển hình thì nó có mặt ở khắp nơi, không bao giờ là một cá nhân cụ thể. Nếu anh viết ám chỉ, tính tư tưởng không có thì cũng có nghĩa anh tự triệt tiêu anh. Văn học thực sự chưa hề biết đến chức năng tôi tớ cho những điều phi lí, phi luân.
Muốn thực hiện đầy đủ tính dân chủ của một xã hội công dân thì nhà văn và những nhà quản lý đều phải tập dượt, tập thích nghi nhanh chóng với cái mới, cái tiến bộ của nhân loại. Trước hết cần nâng niu tác phẩm dám bứt phá, cần truyền thông giúp đưa tác phẩm của nhà văn đến với người đọc, cần những nhà phê bình có trình độ, có lương tri.
Một khi tác phẩm văn học bám sát đời sống thì công chúng sẽ quay lại với văn học. Còn nhớ, có những thời điểm kể từ sau đổi mới đất nước (1986), công chúng đã đón nhận nồng nhiệt nhiều tác phẩm bút ký, tiểu thuyết... In một vạn bản lúc đó còn là ít. Cuốn "Huyền Trân công chúa" của tôi đã in 5 vạn bản ở TP Hồ Chí Minh, sau phải "nối" 2 vạn bản để đưa ra miền Bắc.
Tôi tin bạn đọc thông minh lắm. Họ biết điều nhà văn viết có ăn nhập gì với đời sống hay không!
Nhà văn Y Ban
Khi tôi ra nước ngoài, người ta vẫn hay hỏi: Chị có bị đè nén, cản trở gì khi viết văn không? Tôi nói, tôi chả thấy ai ép tôi bao giờ. Trước màn hình máy tính, trước cây bút, trang giấy, tôi thấy mình tự do tuyệt đối. Còn đương nhiên khi in sách tôi phải chịu những ràng buộc, quy định của xuất bản và những luật định khác.
Vậy thì, câu hỏi đặt ra là chúng ta cứ kêu bị giới hạn tự do sáng tạo, nhưng thử hỏi trong ngăn kéo các nhà văn có bản thảo không? Rất nhiều nhà văn thế hệ trước đã để lại trong ngăn kéo của họ nhiều di cảo. Có những nhà văn đi trước thời đại, vấn đề họ đặt ra ở thời điểm này chưa phù hợp nhưng ở thời điểm khác thì nó đã được ghi nhận... Vấn đề là họ đã viết một cách tự do tuyệt đối với thiên chức cao quý của nghề nghiệp.
Tôi cũng cho rằng tự do sáng tạo luôn đi kèm với tài năng. Chỉ khi chúng ta suy nghĩ đủ lớn, chúng ta mới viết được những vấn đề lớn. Đáng tiếc, văn học chúng ta vẫn còn có hiện tượng ám chỉ, mang màu sắc trả thù cá nhân...
Nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan
Qua thảo luận của các nhà văn, tôi thấy chúng ta nhìn chủ đề tự do sáng tạo theo hai cách: Tự do bên trong người viết và tự do bên ngoài người viết. Cũng có thể coi đấy là hai điều kiện cần và đủ. Dường như nhiều nhà văn nhấn mạnh đến điều kiện đủ, tức là các điều kiện thuộc về bối cảnh xã hội, mà nói đơn giản là việc được tự do công bố tác phẩm. Nếu đấy là vấn đề thì ta thấy "vấn đề" đó đã dần tách khá xa khỏi chuyện "tự do sáng tạo".
Nhà thơ Bình Nguyên Trang
Tôi nghĩ, lúc nào nhà văn cũng có sự tự do tuyệt đối khi sáng tạo. Ai có thể ngăn cấm ta khi ta đau với nỗi đau của con người, buồn vui với những số phận đa chiều trong đời sống... trừ khi có một barie vô hình trong chính người viết. Tuy nhiên, đôi khi sự hạn chế, thiển cận trong nhìn nhận đánh giá tác phẩm văn học cũng ít nhiều tác động đến tâm lý sáng tạo của nhà văn. Nhà văn tự do nhưng cũng thật nhạy cảm. Rất cần có không khí phê bình, thẩm định tác phẩm một cách chuyên nghiệp. Hơn nữa, cần một bầu không khí cổ vũ sáng tạo văn học nghệ thuật để đánh thức năng lực sáng tạo mạnh mẽ nơi người cầm bút.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.