Văn nghệ

Phim khai thác lịch sử và chuyển thể văn học: Gỡ vướng mắc, nâng tầm sáng tạo

An Nhi 09/11/2024 - 15:42

Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” diễn ra ngày 9-11 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII, đã thu hút nhiều ý kiến thảo luận, bởi đây là vấn đề đang được giới làm nghề quan tâm với những tác phẩm gây chú ý thời gian qua.

Còn tự bó hẹp sáng tạo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng ban chỉ đạo Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII Tạ Quang Đông nhấn mạnh, không chỉ điện ảnh Việt Nam, mà điện ảnh thế giới cũng luôn xem các tác phẩm văn học như một “mảnh đất màu mỡ” để khai thác. Cứ năm tác phẩm điện ảnh thì có một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học.

hoi-thao-san-xuat-phim.jpg
Cuộc hội thảo thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu. Ảnh: Đào Anh Vũ

Ở nước ta, phim chuyển thể từ tác phẩm văn học thành công có thể kể đến là phim “Chị Tư Hậu” (từ truyện ngắn “Một chuyện chép ở bệnh viện” của Bùi Đức Ái); phim “Con chim vành khuyên” (từ truyện ngắn “Câu chuyện một bài ca”); phim “Mẹ vắng nhà” (từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thi); phim “Bến không chồng” (từ tác phẩm của nhà văn Dương Hướng); “Mê Thảo - thời vang bóng” (từ truyện “Chùa Đàn” của nhà văn Nguyễn Tuân), hay “Đừng đốt” (dựa trên cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm)…

Đối với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam có những tác phẩm ghi dấu ấn như “Sao tháng Tám”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”… hay điện ảnh đương đại cũng có nhiều tác phẩm gây tiếng vang như “Long Thành cầm giả ca”, “Những người viết huyền thoại”, “Mùi cỏ cháy” và đặc biệt gần đây là “Đào, phở và piano”…

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, so với nhu cầu thực tế, điện ảnh Việt vẫn thiếu tác phẩm hay về đề tài lịch sử. Đây cũng là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim về đề tài lịch sử của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam. Chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này.

dao-pho.jpg
Phim "Đào, phở và piano" về đề tài lịch sử tạo được tiếng vang gần đây. Ảnh: Đoàn phim

Đã có nhiều tác phẩm được chuyển thể sang điện ảnh như “Mùa hoa cải ven sông”, “Xứ sở cây ổi còng”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, dòng phim về lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học rất đáng trân trọng. Bản thân ông khi xem một tác phẩm chuyển thể hoặc về lịch sử luôn tìm lại bản gốc hoặc tìm hiểu sự thật lịch sử để mở rộng thông tin, kiến thức. Hầu như các nhà văn đều mong muốn tác phẩm của mình được chuyển thể sang điện ảnh. Nhưng việc chuyển thể hoặc làm phim về lịch sử gặp nhiều thách thức, từ chính các nhà làm phim, tác giả, khán giả, nhà sản xuất, nhà quản lý…

Việc ít tác phẩm điện ảnh về đề tài này hay, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là do đôi khi các nhà làm phim của ta còn bó buộc vào nội dung tác phẩm gốc hoặc lịch sử, ngại sự phản ứng của dư luận hay tác giả. Điều này làm kìm hãm sự sáng tạo.

“Để có tác phẩm hay thì nhà làm phim phải có sự sáng tạo, tạo dựng đời sống cho nhân vật, trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và không đi ngược với bản gốc, đồng thời tin vào con đường sáng tạo của mình”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.

ts-bui-hoai-son.jpg
PGS.TS Bùi Hoài Sơn và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tham gia ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Đào Anh Vũ

Tham gia nhiều bộ phim về đề tài lịch sử, đạo diễn Charlie Nguyễn cũng cùng quan điểm cho biết, đây là dòng phim có giá trị cho sự phát triển nền điện ảnh, kết nối thời đại trước với ngày nay. Ai trong ngành điện ảnh cũng ôm ấp dự định làm phim về đề tài này, nhưng còn lo lắng, băn khoăn, bởi nhiều người đón nhận phim lịch sử như một phim tài liệu, không chấp nhận sự sáng tạo…

Chia sẻ kinh nghiệm, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, làm phim về những đề tài này, đạo diễn phải là người tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nhất về các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử rồi mới bắt tay vào sáng tạo. Đó chính là đạo đức nghề nghiệp. Khi sáng tạo phải kết nối được cảm xúc của nhân vật với cuộc sống, không thần thánh hóa nhân vật.

Nâng tầm dòng phim về đề tài này

nha-lam-phim-thao-luan.jpg
Các đại biểu đóng góp ý kiến. Ảnh: Thụy Du

Bên cạnh thách thức từ các nhà làm phim, việc làm phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học còn gặp khó khăn từ nhiều phía. Nhà sản xuất phim Nguyễn Trinh Hoan cho biết, thực hiện dòng phim này rất tốn kém vì phải dựng bối cảnh, trang phục, đạo cụ theo đúng lịch sử hay tác phẩm văn học. Hơn nữa, phim về lịch sử không thu hút như dòng phim thương mại, vì vậy rất khó thuyết phục được nhà đầu tư và cũng khó thuyết phục được khán giả đến xem để thu hồi vốn.

Đạo diễn Võ Thanh Hòa cho rằng, làm phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học cần sự quan tâm và có cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đạo diễn phim điện ảnh “Kính vạn hoa” khẳng định, muốn làm một bộ phim về lịch sử tốt phải có chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi vay vốn làm phim và tạo điều kiện để lập phim trường, kho đạo cụ về các giai đoạn lịch sử cho các nhà làm phim khai thác, tận dụng.

ngay-xua-co-1-chuyen-tinh.jpg
Bộ phim "Ngày xưa có một chuyện tình" chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tham gia Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII. Ảnh: Nhà sản xuất

Tham gia ý kiến tại hội thảo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây là chủ đề rất quan trọng với sự phát triển của điện ảnh và văn học, nghệ thuật. Lịch sử và tác phẩm văn học truyền tải qua điện ảnh trở nên hấp dẫn hơn, mang được nhiều thông điệp hơn, đặc biệt là dòng phim về đề tài lịch sử phát triển sẽ góp phần giáo dục, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm, khuyến khích phát triển dòng phim này, như đặt hàng làm phim về đề tài lịch sử, tổ chức các trại sáng tác về đề tài lịch sử hoặc hướng tới các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, cần có sự đầu tư hơn nữa từ các nhà làm phim, nhà sản xuất, nhà quản lý và sự ủng hộ của khán giả để nâng tầm, phát triển phim về đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học.

Tại hội thảo, ông Qian Zhongyuan, Giám đốc sản xuất As One Production (Trung Quốc) – nhà sản xuất nhiều bộ phim lịch sử thành công, cũng chia sẻ kinh nghiệm về khai thác đề tài lịch sử trong điện ảnh.

Theo ông Qian Zhongyuan, làm phim về lịch sử phải mở mang góc nhìn và tư duy. Những sự kiện chính sử phải tôn trọng, không được làm khác. Nhưng trên nền tảng lịch sử luôn có không gian để nhà làm phim sáng tạo và tận dụng.

Trung Quốc có nhiều chính sách khuyến khích làm phim lịch sử, phim chuyển thể từ tác phẩm văn học. Các nhà làm phim luôn được nhà nghiên cứu, chuyên gia trong ngành hỗ trợ trong suốt quá trình làm phim. Hơn nữa, làm phim về những đề tài này còn được ủng hộ về kinh phí. Các địa phương đều có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện quay phim ở những địa điểm mong muốn, vì họ biết tác phẩm điện ảnh thành công sẽ thu hút du lịch về địa phương...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phim khai thác lịch sử và chuyển thể văn học: Gỡ vướng mắc, nâng tầm sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.