Ngày 10-12, Hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam - 80 năm đồng hành sáng tạo” do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức, đã diễn tại Hà Nội, ghi nhận những ý kiến tâm huyết về đóng góp của văn nghệ sĩ với đề tài này.
Đây là sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định, trong hàng ngàn tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị trong suốt 80 năm qua, một mảng rất quan trọng, chiếm vị trí nổi bật, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật to lớn, đó chính là những tác phẩm thuộc nhiều loại hình, từ văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, mỹ thuật... về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân, về Bộ đội Cụ Hồ.
“Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là kết tinh phẩm chất cao quý của người lính như dũng cảm, hy sinh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, chủ nghĩa nhân văn cao cả; tình đoàn kết, gắn bó keo sơn quân - dân, khát vọng độc lập - tự do”, PGS.TS Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Đỗ Hồng Quân, hình mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ là nền tảng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bách chiến - bách thắng. Đây chính là “cánh đồng” đề tài rộng lớn, nguồn cảm hứng bất tận để cho các thế hệ văn nghệ sĩ sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật gắn liền với truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần làm giàu thêm dòng chủ lưu của văn nghệ cách mạng Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm vào nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam – 80 năm đồng hành sáng tạo” được tổ chức nhằm khẳng định những thành tựu đã đạt được; nhận rõ những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại, tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng sáng tác, huy động lực lượng văn nghệ sĩ trau dồi tích lũy vốn sống, đi sâu vào đề tài này để có những tác phẩm có giá trị tư tưởng về nghệ thuật cao hơn nữa, xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội thảo ghi nhận 30 tham luận cùng nhiều ý kiến đóng góp của các văn nghệ sĩ, nhà quản lý, các nhà khoa học đang nghiên cứu, quản lý, giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về văn học, nghệ thuật Trung ương và Hà Nội.
Các ý kiến tập trung làm rõ về quá trình 80 năm gắn bó, đồng hành với các lực lượng vũ trang và dân tộc của văn nghệ sĩ, để có những sáng tác có giá trị, phong phú về nội dung, có chất lượng nghệ thuật, phục vụ kịp thời và có ý nghĩa lâu dài, lan tỏa trong công chúng trong và ngoài nước.
Các đại biểu đã nêu những bài học quý báu về tư duy lý luận, sáng tạo, quảng bá, tổ chức sáng tác xung quanh việc triển khai đề tài sáng tác về lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực tế sáng tác.
Nhiều ý kiến khẳng định, trong bối cảnh quốc gia và quốc tế hiện nay, đề tài về lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cần bao quát đầy đủ các vấn đề xung quanh bảo vệ an ninh Tổ quốc (an ninh truyền thống) và an ninh phi truyền thống (an ninh con người, văn hóa, môi trường...) trên tầm nhìn của chủ nghĩa nhân văn, huy động sự chung sức của cộng đồng nhân loại.
Các đại biểu đã nêu giải pháp để nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác, tạo ra những tác phẩm đột phá hơn nữa trong đề tài này ở từng lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.