Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ bỏ thói quen nguy hại

Bắc Vũ| 04/08/2022 06:29

(HNM) - Thói quen tự dùng kháng sinh gây ra nhiều nguy hại cho người bệnh. Vấn đề này càng "nóng" bởi hiện nay nhiều dịch bệnh đang gia tăng mạnh như cúm A, Covid-19, sốt xuất huyết…, không ít người dân mắc bệnh đã tự tìm mua thuốc điều trị thông qua các "đơn thuốc" trên mạng hoặc từ truyền tai nhau. Điển hình là những ngày gần đây, khi dịch cúm A bùng phát đã có rất nhiều người tự tìm mua thuốc Tamiflu để điều trị tại nhà. Trong khi theo cơ quan y tế, đây là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ.

Thực tế, việc người dân tự ý sử dụng kháng sinh hay các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ là câu chuyện "khổ lắm nói mãi". Thực trạng đáng lo ngại và khá phổ biến hiện nay là khi thấy có dấu hiệu ho, sốt… ngay lập tức người dân sẽ tìm đến "bác sĩ Google" để biết loại thuốc cần uống hoặc ra hiệu thuốc mua kháng sinh theo tư vấn của người bán. Trong khi một số người bán thuốc lại thiếu trách nhiệm khi bán thuốc kháng sinh theo nhu cầu của người dân, bất chấp quy định việc bán thuốc phải theo đơn của bác sĩ… Thậm chí, có người dù đã sử dụng kháng sinh theo đơn bác sĩ kê, nhưng lại không dùng hết đợt điều trị, tự tiện bỏ dở thuốc giữa chừng khi bệnh tình thuyên giảm…

Hệ quả của việc sử dụng kháng sinh bừa bãi là gây nguy cơ kháng thuốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân; nguy hiểm hơn còn làm khó khăn cho quá trình điều trị các bệnh nhiễm trùng và làm suy giảm về sức khỏe, các đợt điều trị về sau cơ thể sẽ khó dung nạp thuốc hơn... Với thực tế này, kháng thuốc đang thực sự là mối đe dọa thường trực đối với an ninh y tế công cộng.

Để từ bỏ thói quen nguy hại với sức khỏe này, ngành Y tế cùng các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin đến người dân cần sử dụng kháng sinh có trách nhiệm để giữ gìn sức khỏe bản thân, tránh tình trạng kháng thuốc, đồng thời bảo vệ nguồn kháng sinh quý giá phục vụ công tác chữa bệnh. Người dân khi sử dụng kháng sinh phải có sự tư vấn, thăm khám chỉ định của bác sĩ; khi uống thuốc phải uống đủ liều, đủ ngày, đủ thời gian theo chỉ định. Tuyệt đối không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống.

Đặc biệt, ngành Y tế và các bệnh viện cần tích cực giám sát tình trạng kháng thuốc, phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện; tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn; xử lý nghiêm những nhà thuốc vi phạm quy định về kinh doanh dược phẩm, nhất là tình trạng bán thuốc không theo đơn… Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc để thực hiện việc bán thuốc theo đơn, kiểm soát tình trạng người dân lạm dụng kháng sinh.

Đội ngũ bác sĩ cũng cần tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong quá trình kê đơn thuốc cho người bệnh; đặc biệt, các dược sĩ, nhà thuốc phải bán thuốc theo đơn đúng quy định, nói không với tình trạng bán thuốc như… bán rau.

Cùng với đó, cần giáo dục, quán triệt thông điệp về sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm cho sinh viên trường y, dược để các bác sĩ, dược sĩ tương lai ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình khi đặt bút kê đơn thuốc cũng như hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc đúng, hiệu quả nhất cho sức khỏe.

Sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của ngành Y tế, đặc biệt là các bệnh viện, cùng việc nâng cao ý thức sử dụng thuốc chữa bệnh của người dân sẽ là "chìa khóa" chống lại tình trạng kháng thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Từ bỏ thói quen nguy hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.