Đau đầu là hiện tượng thường xảy ra và có thể gặp ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau đầu. Vì vậy, tùy vào triệu chứng cũng như căn nguyên gây nên tình trạng này sẽ có các biện pháp điều trị khác nhau. Thế nhưng, khi bị cơn đau đầu hành hạ, nhiều người có thói quen uống thuốc giảm đau mà không biết đến những tác hại khôn lường khi lạm dụng "con dao hai lưỡi" này.
Lợi một chỗ, hại tứ bề
Có tiền sử đau đầu mạn tính nên cứ mỗi lần tái phát, bệnh nhân N.T.C (40 tuổi ở tỉnh Phú Thọ) lại ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc giảm đau về uống; tuy nhiên, khi hết thuốc, cơn đau lại tái diễn và ngày càng nặng hơn. Không còn cách nào khác, bệnh nhân lại phải uống thuốc để xoa dịu cơn đau. Cho đến khi không thể chịu nổi, bệnh nhân mới tìm đến bệnh viện. Tại bệnh viện, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị đau đầu do lạm dụng thuốc giảm đau.
Đau nhức đầu là tình trạng phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt ở lứa tuổi 20-35, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh nhiều gấp 3 lần so với nam giới. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, mỗi năm tiếp nhận và điều trị hơn 5.000 trường hợp đau đầu. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Liệu, Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ của bệnh viện cho biết, tình trạng đau đầu đáp ứng tốt với các loại thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin, acetaminophen hoặc ibuprofen. Vì vậy, nhiều người có thói quen cứ đau đầu là mua thuốc về tự điều trị.
Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc giảm đau quá 4g/ngày hoặc dùng thường xuyên từ 3 tháng trở lên có thể gây hại cho gan, thận, hệ thần kinh. Lạm dụng thuốc giảm đau sẽ khiến những cơn đau đầu cấp tính có thể tái diễn thường xuyên hoặc chuyển thành mạn tính, còn gọi là đau đầu hồi ứng.
Ngoài các loại thuốc trên, tình trạng lạm dụng paracetamol để giảm đau đầu cũng khá phổ biến ở người dân hiện nay. Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) chia sẻ, paracetamol được xem là lựa chọn “tối ưu” đối với những người thường xuyên bị đau đầu. Chính vì vậy, nhiều người bị lệ thuộc vào loại thuốc này. Tuy nhiên, việc sử dụng paracetamol để giảm đau chỉ có tác dụng hiệu quả trong thời gian đầu, sau đó, người bệnh phải tăng liều mới có tác dụng như mong muốn.
“Việc sử dụng thuốc giảm đau chỉ có thể điều trị triệu chứng, làm giảm cơn đau ngay lúc đó chứ không điều trị triệt để được bệnh. Nếu sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến chức năng gan”, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cảnh báo.
Chung quan điểm trên, nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng, do có tác dụng nhanh nên nhiều người thường lạm dụng các loại thuốc giảm đau dẫn đến bị lệ thuộc. Thuốc giảm đau có tác dụng phụ, nên khi dùng quá liều dễ dẫn đến nhiều hệ lụy. Ví dụ, nếu lạm dụng paracetamol sẽ gây hại cho gan, aspirin hại cho dạ dày...
Thế nhưng, điều đáng nói là thuốc giảm đau phần lớn có thể dễ dàng mua ở bất kỳ hiệu thuốc nào, không cần kê đơn của bác sĩ. Còn người sử dụng lại không hề biết đến những tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc. Hơn nữa, các loại thuốc giảm đau này khi lạm dụng còn có thể làm lu mờ hoặc biến dạng các triệu chứng ban đầu của bệnh. Trong khi đó, bệnh vẫn tiến triển âm thầm với tình trạng ngày càng nặng hơn.
Tránh những tác hại đáng tiếc
Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội đau đầu quốc tế (IHS), có khoảng 150 loại đau đầu khác nhau, phần lớn không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng liên quan đến một số bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng như xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ phình động mạch não, huyết khối tĩnh mạch nội sọ, viêm màng não, viêm não, u não…
Để phân biệt các cơn đau đầu, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Liệu chỉ rõ, khi cơn đau ngắn, thoáng qua, có thể cải thiện sau khi uống thuốc nghĩa là đau đầu thông thường. Trường hợp đau dữ dội, kéo dài dai dẳng, kèm theo nhiều triệu chứng khu trú cảnh báo khác như: Sốt, ù tai, tê yếu tay chân, buồn nôn và nôn, chóng mặt, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh… mà uống thuốc không cải thiện, được xem là đau nguy hiểm. Khi đó, người bệnh không được tự ý tăng liều thuốc giảm đau mà cần đi khám để được bác sĩ kiểm tra, đánh giá chuyên sâu tìm ra nguyên nhân và có phương án điều trị kịp thời.
Để tránh những tác hại đáng tiếc do lạm dụng thuốc giảm đau gây ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi sử dụng các thuốc giảm đau như paracetamol hoặc nhóm giảm đau khác, người dân chỉ nên dùng trong thời gian ngắn. Nếu thấy bệnh tình càng nặng hơn, bệnh tái đi tái lại nhiều lần cần phải đến bệnh viện thăm khám để bác sĩ quyết định việc dùng thuốc.
Đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Chính vì vậy, để biết cụ thể nguyên nhân gây đau đầu, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám trực tiếp để có biện pháp điều trị thích hợp. Bên cạnh đó, khi bị đau đầu, người bệnh cũng cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, tránh nơi ồn ào vì có thể làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.