Việc sử dụng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là loại vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát sâu bệnh, tránh ảnh hưởng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, việc sử dụng, lạm dụng thuốc có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, một trong những nhiệm vụ của ngành BVTV là phát triển theo hướng bền vững, xanh...
Đây là những nội dung được thảo luận trong Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững” do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Cục BVTV(Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 28-12.
Tỷ lệ sử dụng giảm nhưng còn khó khăn
Tham luận tại diễn đàn, bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc BVTV (Cục BVTV) cho biết, xu hướng sử dụng thuốc BVTV sinh học ngày càng gia tăng, phổ biến ở các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Tại Việt Nam, trong những năm 2020-2023, số lượng thuốc BVTV sinh học tăng từ 768 lên 810 tên thương phẩm được phép sử dụng. Hiện nay, lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình giảm từ 3,81kg/ha năm 2020 xuống 3,19kg/ha năm 2022. Trong đó, lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng tăng từ 16,67% năm 2021 lên 18,49% năm 2022.
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế ở nước ta những năm qua cho thấy, không ít người sản xuất nông nghiệp do mong muốn tăng lợi nhuận đã lạm dụng thuốc BVTV hoặc sử dụng thuốc BVTV sai quy định.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, toàn thành phố có gần 25.000ha cây ăn trái, sản lượng hằng năm trên 200.000 tấn; gieo trồng cây rau màu trên 17.000ha, sản lượng 205.000 tấn/năm…
Hiện nay, do giá một số nông sản đang ở mức cao nên nông dân có xu hướng tăng cường đầu tư, chăm sóc và lựa chọn nguồn phân bón, thuốc BVTV chất lượng, có uy tín trên thị trường, dẫn đến việc sử dụng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp so với khuyến cáo, tăng chi phí sản xuất không hợp lý. Việc xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng còn rất khó khăn…
Tương tự, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Tháp Lê Văn Chấn, cho rằng, hiện còn một số nông dân sử dụng phân bón và thuốc BVTV chưa theo khuyến cáo, chưa phù hợp loại cây trồng và đối tượng dịch hại dẫn đến hiệu quả sử dụng chưa cao; địa bàn rộng, số lượng đại lý, cơ sở vật tư nông nghiệp nhiều, trong khi lực lượng công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thuốc BVTV khá mỏng nên việc kiểm soát vẫn chưa chặt chẽ.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, hiện nay, cơ cấu giống cây trồng được thay đổi, ảnh hưởng biến đổi khí hậu; nhiều loại sinh vật gây hại cây trồng mới phát sinh, mới nổi và bùng phát thành dịch. Nhiều giống mới được du nhập từ vùng này đến vùng khác và ngược lại nên cần sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc BVTV.
Ngoài ra, chế phẩm thảo mộc và sinh học còn ít trên thị trường; việc đăng ký chế phẩm thảo mộc và sinh học đủ điều kiện thương mại hóa cần thời gian dài và nguồn kinh phí lớn...
Sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm
Chia sẻ về Chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm của Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA), ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch VIPA, khẳng định, Chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm ra đời là giải pháp quan trọng để khắc phục những tiêu cực từ việc lạm dụng thuốc BVTV trước đây.
Mục tiêu của Chương trình nhằm hỗ trợ nông dân, các đại lý buôn bán thuốc BVTV tiếp cận, nắm rõ nguyên tắc sử dụng thuốc và phòng trừ sinh vật gây hại nhằm phát huy hiệu quả sản phẩm thuốc BVTV, giữ gìn môi trường xanh, sạch, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Từ đó, hình thành vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao và phục vụ xuất khẩu.
Thời gian tới, Hội tiếp tục hoàn thiện, số hóa tài liệu tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm, quản lý sinh vật gây hại trên một số cây trồng chính.
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, để sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, các địa phương cần xây dựng kênh truyền thông hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV trên cây trồng, trên cơ sở Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt chất thuốc có nguồn gốc sinh học, có độ độc cấp tính thấp và có thời gian cách ly ngắn.
Bên cạnh đó, cần đa dạng cây trồng, luân phiên thay đổi giống cây trồng trong năm, những biện pháp nâng cao năng suất cây trồng, bảo đảm an toàn chất lượng sản phẩm tốt, hạn chế việc sử dụng các loại thuốc BVTV, thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất trồng trọt; kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng thuốc BVTV tại các vùng sản xuất; hướng dẫn người dân kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách); bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch…
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, sử dụng các biện pháp sinh học và thuốc BVTV sinh học thay thế thuốc hóa học là xu thế tất yếu, phù hợp tăng trưởng xanh. Để nhân rộng các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học cần các chính sách lớn, tập trung thực hiện: Truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết về sử dụng có trách nhiệm thuốc BVTV; tiếp thu, chọn lọc kinh nghiệm của thế giới để bổ sung, hoàn thiện và thực thi hiệu quả các quy định về quản lý thuốc BVTV; có chính sách tài chính cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất, cung ứng thuốc BVTV sinh học thân thiện môi trường…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.