(HNM) - Nếu gặp người có thể cùng chia sẻ, HLV Nguyễn Dũng sẽ mê mải nói về ý định thử nghiệm một môn thể thao có sự tương tác giữa nhiều môn như bóng bàn, bóng đá, khúc côn cầu… cho người khiếm thị.
HLV Nguyễn Dũng (ngoài cùng bên trái) và các học sinh đặc biệt ở trường PTCS Xã Đàn năm 2016 |
Từ nhiều năm nay, HLV Nguyễn Dũng đã là gương mặt quen thuộc trong làng dạy bóng bàn phong trào tại Hà Nội. Nhưng phải đến năm 2014 ông mới bước vào thử thách khác khi nhận lời dạy chơi bóng bàn cho học sinh khiếm thính. Khi ấy, cô giáo Nguyễn Thị Kim Loan mới nghỉ hưu ở Trường PTCS Xã Đàn đã ướm hỏi ông về việc có thể dạy chơi bóng cho học sinh khiếm thính. Chưa bao giờ làm việc này nhưng nghĩ rằng có thể giúp ích cho các em học sinh thiếu may mắn nên ông nhận lời. Quan trọng là Hiệu trưởng Trường Xã Đàn khi đó - ông Đinh Văn Đoàn và Ban giám hiệu, các thầy cô trong trường đã tạo điều kiện để ông mở CLB dạy bóng bàn miễn phí cho học sinh của trường. Thế là CLB Bóng bàn mang tên Đồng Tâm - Xã Đàn theo hình thức xã hội hóa ra đời.
Sau đó là những ngày mày mò tìm phương pháp dạy thích hợp nhất với người khiếm thính. Như ông nói thì không thể dạy theo kiểu chính quy mà phải theo kiểu “du kích, cầm tay mà dạy”. Không thể dùng giao tiếp bình thường, ông đánh số thứ tự học sinh theo từng lớp rồi viết lên bảng. Cứ đến lượt ai vào tập là thầy chỉ tay lên bảng, lập tức học sinh hiểu ngay. Rồi để học sinh hiểu hết luật thi đấu, các động tác cũng phải mất một thời gian dài Nếu không kiên nhẫn và muốn mang điều tốt đẹp đến cho những đứa trẻ tại đây, thật khó để theo được. Nhiều lần, ông đã chứng kiến các em thất vọng, chán nản khi không thể thực hiện thuần thục động tác. Lúc đó, ông và các HLV lại vỗ về. Tất cả đều tin rằng, sự thất vọng, chán nản của các em là biểu hiện mong ước học hỏi, sự đam mê, khát vọng thành công.
Ngoài sự ủng hộ của nhà trường, ông Dũng còn nhận được sự giúp đỡ của các cựu VĐV, các HLV dạy bóng bàn phong trào đến cùng dạy. Nhờ vậy, đến năm 2015, Ngành GD-ĐT Hà Nội lần đầu tiên có VĐV bóng bàn khiếm thính góp mặt tại Hội thi học sinh khuyết tật toàn quốc sau 5 kỳ giải. 2 học sinh Trường PTCS Xã Đàn do ông Dũng và các bạn ông huấn luyện đã giành 2 HCĐ. Bây giờ, ở Trường PTCS Xã Đàn, bóng bàn còn là môn thể thao chính khóa. Nhờ đó, đời sống sinh hoạt tinh thần của các em phong phú hơn.
Hiện nay, HLV Nguyễn Dũng đã tự tin với việc dạy học sinh khiếm thính chơi bóng bàn. Trước mắt ông dự định mang đến cho học sinh khiếm thị một môn thể thao có nét tương đồng giữa bóng bàn, khúc côn cầu, bóng đá. Bởi cách đây hơn một năm, Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu đã ướm hỏi ông về cách dạy bóng bàn cho học sinh khiếm thị của trường. Gợi ý của cô lại khiến ông miệt mài tìm phương pháp. Ông chia sẻ, người khiếm thị sẽ không theo được độ nẩy của bóng bàn nên phải chơi bóng bằng cách khác. Đó sẽ là cách chơi bóng đá hay chơi khúc côn cầu trên mặt bàn, bóng sẽ được nhồi bi hoặc chíp phát tiếng động để người chơi dễ dàng đánh bóng bằng vợt bóng bàn. Việc xác định thắng thua chung cuộc có thể theo thời gian nhất định như bóng đá hoặc tính theo điểm như bóng bàn… Dù vậy, việc áp dụng môn thể thao mới này cho người khiếm thị thành công đến mức nào thì cần phải có thời gian.
Dẫu khó khăn và cần nhiều thời gian hơn nữa nhưng HLV Nguyễn Dũng luôn say mê với ý tưởng của mình và tin vào sự thành công. Ông bảo rằng, ở tuổi 70, nếu xây dựng được một môn thể thao mới cho người khiếm thị thì đó là điều không thể tuyệt vời hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.