Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Quốc điều chỉnh các biện pháp phòng dịch Covid-19: Động lực cho giá dầu

Thùy Dương| 10/12/2022 07:09

(HNM) - Trung Quốc đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 để dần khôi phục hoạt động kinh tế và xã hội. Gần đây nhất, Trung Quốc đã ban hành 10 biện pháp mới, trong đó cho phép người mang mầm bệnh không triệu chứng và bệnh nhân có triệu chứng nhẹ cùng những người đáp ứng các yêu cầu nhất định được cách ly tại nhà... Động thái này làm dấy lên kỳ vọng rằng nhu cầu về dầu của Trung Quốc sẽ tăng cao hơn, bù đắp cho những quan ngại về suy thoái kinh tế...

Nhân viên xuất nhập cảnh kiểm tra một tàu chở dầu thô tại cảng Thanh Đảo (Trung Quốc).

Giá dầu đã lập tức tăng trong phiên giao dịch châu Á ngày 7-12 sau khi Trung Quốc phát tín hiệu nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 3 xu Mỹ (0,04%) lên 79,38 USD/thùng, sau khi giảm xuống dưới 80 USD/thùng lần thứ hai trong năm 2022 ở phiên giao dịch trước đó. Đồn đoán về nhu cầu của Trung Quốc tăng lên tiếp tục là động lực thúc đẩy thị trường trong bối cảnh Trung Quốc ghi nhận số ca mắc Covid-19 giảm trong ngày thứ hai liên tiếp.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 11-2022 đã tăng 12% so với một năm trước đó, lên mức cao nhất trong 10 tháng, khi các công ty bổ sung dự trữ bằng dầu rẻ hơn và các nhà máy mới bắt đầu hoạt động. Nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã nhập khẩu 46,74 triệu tấn dầu thô trong tháng trước, tương đương 11,37 triệu thùng/ngày. Con số này tăng từ 10,16 triệu thùng/ ngày vào tháng 10 và 10,17 triệu thùng/ngày vào tháng 11-2021.

Các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc đã tăng cường mua dầu thô của Mỹ, tận dụng các cơ hội về chênh lệch giá, đồng thời duy trì nhập khẩu dầu của Nga ở mức cao trước lệnh cấm vận của châu Âu vào ngày 5-12. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan nhận định, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 sẽ là động lực thúc đẩy giá dầu tăng hơn so với mức trần đối với dầu của Nga.

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 11,8 triệu thùng/ngày, vượt xa Mỹ, quốc gia nhập khẩu 9,1 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên trong gần 3 năm qua, việc Trung Quốc thực hiện một số chính sách kiểm soát đại dịch Covid-19 nghiêm ngặt, áp đặt lệnh phong tỏa liên tục trên toàn quốc đã ảnh hưởng tới giá dầu trên thế giới. Đỉnh điểm là từ tháng 5-2022, đà tăng giá dầu đã chững lại sau khi Bắc Kinh áp dụng chiến lược “Zero Covid”.

Mặc dù các biện pháp phong tỏa đã làm chậm đợt bùng phát Covid-19 mới nhất của Trung Quốc nhưng lại tác động lớn tới nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới. Nhu cầu sụt giảm ở đất nước 1,4 tỷ dân khiến thị trường dầu thế giới hạ nhiệt. Giá dầu quay đầu giảm mạnh sau khi tăng phi mã vì xung đột giữa Nga và Ukraine. Mối lo về sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc do ảnh hưởng của chính sách chống dịch “Zero Covid” đã khiến giá dầu thế giới giảm liên tục trong 3 tuần qua, xuống dưới 80 USD - mức thấp nhất từ đầu năm.

“Nhu cầu dầu của Trung Quốc là lớn nhất thế giới. Tình hình ở Trung Quốc có sự chi phối rất lớn đối với giá dầu”, ông David Goldwyn, một nhà ngoại giao năng lượng cấp cao thuộc chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama cho biết.

Mặc dù, giới chức y tế Trung Quốc nhấn mạnh các hạn chế không thể được dỡ bỏ hoàn toàn, mà đó là sự cân nhắc toàn diện dựa trên kinh nghiệm đã tích lũy được để đối phó với các đặc điểm mới của vi rút SARS-CoV-2. Song sự thay đổi trong chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc đã làm tăng sự lạc quan về sự phục hồi nhu cầu dầu ở nước này. Nhà phân tích thị trường dầu mỏ hàng đầu Matt Smith cho biết: “Các thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi những tin tức từ Trung Quốc, do mức độ tác động của việc phong tỏa đối với nhu cầu dầu mỏ của người tiêu dùng lớn nhất nhì thế giới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc điều chỉnh các biện pháp phòng dịch Covid-19: Động lực cho giá dầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.