(HNM) - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên, trở thành cơn bão số 3 ở Việt Nam trong năm 2019. Bão số 3 có tên quốc tế là Wipha đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc.
Đến 16h ngày 1-8, bão số 3 cách Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) khoảng 210km, cách tỉnh Nam Định khoảng 320km; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12. Đến 16h ngày 2-8, bão số 3 áp sát bờ biển các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 12… Thời gian tiếp theo, bão đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão nên từ chiều tối và đêm 1-8 đến ngày 4-8, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Dự báo lượng mưa cả đợt tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên dao động 80-120mm; các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình khoảng 100-150mm…
Ứng phó với bão số 3, ngày 31-7, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có Công điện 08/CĐ-TƯ yêu cầu các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Bắc Bộ tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, điện, thông tin liên lạc; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Các tỉnh miền núi phía Bắc sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất…
Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 31-7, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.402 phương tiện, với 274.641 người đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động vòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm…
Tại Hà Nội, ngày 31-7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố ban hành Công điện số 02 CĐ/BCH yêu cầu các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa, thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng, tránh; kiểm tra hệ thống đê điều, kè cống, kênh mương, công trình tiêu, thoát nước trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý khi xảy ra các sự cố, thiên tai...
Thực hiện chỉ đạo trên, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn thành phố kiểm tra, kịp thời kiên cố hóa nhà trạm, cột ăng ten của các trạm thu phát sóng, hệ thống cột, đường dây, cáp viễn thông… bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.