(HNM) - “Mắt đàn ông” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn) - ấn phẩm đầu tay trang nhã, được tô điểm bằng chùm tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương, là cách kỷ niệm ý nghĩa của nhà thơ trẻ Thiếu tá Nguyễn Minh Cường, với ngày “Tết bộ đội” của mình (ngày 22-12).
Nguyễn Minh Cường quê ở Phổ Yên, Thái Nguyên, anh đã chọn Bắc Ninh về làm rể và công tác - Trường Sĩ quan chính trị Bắc Ninh. Dấu ấn quê, không gian đô thị Bắc Ninh với phong vị làng mạc, cùng những câu quan họ mà Minh Cường yêu thích, mang lại cho anh nhiều suy nghĩ phóng khoáng trong sáng tác. Mặc dù thiếu tá trẻ vốn không thật xác định thi ca làm nghiệp, nhưng thơ văn cũng đã trở thành niềm cảm hứng, sự cuốn hút với anh nhiều năm qua. Và anh đang dần là gương mặt quen thuộc qua các sự kiện văn học trẻ khu vực Hà Nội những năm gần đây.
Trong tập thơ đầu tay của Nguyễn Minh Cường, dễ “bắt” ra nhiều câu thơ hay, đẹp bay lên với không khí trẻ trung. Tác giả như một người lãng đãng đi qua những chuyển động đa dạng của đời sống, nhưng đã kịp nhớ cho mình những hình ảnh, chi tiết độc đáo. Sau đó khi “thổi vào” câu chữ, những gì thu lượm được đã qua trau chuốt để nhuốm vào đó nét duyên của hình dáng và cái tình của xúc cảm. Yêu mùa thu, Minh Cường viết: “Từ ô cửa gió hiu hiu/Đưa tay cũng chạm dập dìu mây thưa…” (Thu); xuân đến, Minh Cường bỗng “Nghe lời quan họ/Chảy về từ chân mây” (Nằm xuân)…
“Mắt đàn ông” dường như là những lời tự bạch, trong đó, tác giả dành nhiều bài thơ về miền quê nơi anh đang sống. Những hình tượng thân quen hiện lên trong trẻo và hồn hậu. Như trong “Tháng ba về” thấy “Nếm cọng gió đồng chiêm/Chấm môi mình/Chiều se sẽ nắng/Thấy ngăn ngắt/Buồn/Từ vị khói/Tháng ba sương…”; còn “Tháng Giêng” thì “Tháng Giêng nhoài xuân trên những tán cây/Hoa trắng, hoa vàng xao xác nở/Trên bến/Con ong say xuân/Ngã cái vo ve vào nỗi nhớ/Thuở xuân thì xưa…”; và “Trước đền thủy tổ quan họ” vào “Trưa/Nắng thoa vào vóc cổ/Cong cong/Một cổng đền/Ở nơi người hát thờ người thôi hát/Có Vua Bà buồn nghe giao duyên…”.
Nhưng không thể thiếu được với người lính khi viết, đó là mảng về nghề nghiệp, lý tưởng, con đường mình đã chọn. Tác giả thể hiện một cách tự tin với những thực tế mà mình trải nghiệm. Có lẽ, ngoài cảm xúc khai thác từ lịch sử, từ quá khứ, thì người viết hôm nay khi đối diện với những vấn đề chung của đất nước, của cộng đồng, càng cần phải có tâm thế của thời cuộc, đứng vào góc nhìn đúng với đặc điểm thế hệ của anh ta.
Dường như tích lũy được cho mình điều đó, Minh Cường viết hào sảng về những nơi địa đầu anh đến: “Đá, đá và đá/Biên cương dựng đá trên đầu Tổ quốc mình/Ngày giông bão đá như khoan vào mây mù như thành, như lũy/Ngày hiền hòa/Đá như vương miện đội trên đầu người con gái lưng ong/Đứng nghiêng mình duyên dáng/Soi bóng Biển Đông xanh mềm…” (Đi giữa vùng biên); “Tổ quốc xanh tươi trên ngọn bàng vuông/Xúm xít quả xanh như làng xóm/Tổ quốc vững bền những dáng người quắt nắng…” (Trường Sa nghĩ).
Tập thơ bao quát nhiều tâm cảm của một người trẻ trước những rung động đa chiều của đời sống. Việc chia các phần với những chủ đề khái quát về đất nước, làng quê, phố phường, gia đình và những người thân yêu… cho thấy một phác thảo ban đầu nhưng khá đủ về chặng đường sống, chặng đường viết của tác giả. Ở đó có sự cộng hưởng của những cảm hứng chung - riêng, có hạnh phúc giản dị của tổ ấm gia đình và quê hương bản quán, nhưng cũng có ý thức về tư thế của một công dân trẻ đối với những giá trị thiêng liêng của đất nước. Và hình ảnh “mắt đàn ông” hiện lên qua tập thơ này bao hàm nhiều điều hơn là một ấn tượng ban đầu khi người đọc mới chạm vào ba chữ ấy. Có thể tin và đi theo cùng “đôi mắt” của tác giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.