Bút danh Bình Nguyên Trang lâu nay đã trở thành tên riêng thay cho tên khai sinh của nhà báo, nhà thơ Vũ Thị Quỳnh Trang (hiện công tác tại Báo Nhân Dân). “Có tiếng” từ cuối những năm 1990, quen thuộc với bạn đọc tuổi xanh, nhưng “quán tính” yêu mến nhà thơ của “tháng 3 hoa gạo” trong hơn hai thập niên trước may mắn thay không làm nhà thơ “cũ mòn”. “Đêm hoa vàng” tập thơ mới nhất của Bình Nguyên Trang cho thấy mối duyên của thơ ca và chị.
Bình Nguyên Trang đoạt giải nhất tác phẩm tuổi xanh Báo Tiền Phong năm 1999 rồi Giải B của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ "Những bông hoa đang thiền” năm 2012. Ngoài giải thưởng thơ từ sớm cũng như gần đây, Bình Nguyên Trang vẫn viết đều trên nhiều “mặt trận”, từ ký chân dung, tản văn, truyện ngắn.
Mặc dù vậy, có vẻ như thơ ca vẫn là nỗi “ám ảnh” Trang trước nhất và sau cuối. Có thể với thơ, Bình Nguyên Trang được trọn vẹn là mình, trong những băn khoăn tự hỏi, trong những cảm nhận, thấu suốt với đời sống theo cách của một người thơ.
“Đêm hoa vàng” ra mắt giữa mùa hè năm 2024 mang đến 43 bài thơ tạm gọi chia làm hai phần, theo cách đặt tên của cuốn sách: “Thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội” và “Niệm”. Là chia thế thôi, chứ trong thơ Bình Nguyên Trang luôn bắt gặp những cuộc trở về với mình, có thể như một cách để thấu hiểu con người, để tự trả lời cho những băn khoăn của đời sống. Mà những băn khoăn đó, soi vào bạn đọc cũng như thấy bóng mình. “Tôi đã gặp lại mình hay là tôi đã/ Ra đi từ ngày xưa và trở lại bây giờ” (“Đi mãi rồi mùa xuân cũng tới”). Hay: “Yên lặng quá/ Yên lặng là ngôi đền an trú/ Ta soi vào thăm thẳm đời nhau” (“Tự sự”).
Thật ra ngay từ những vần thơ nổi tiếng thuở học trò, Bình Nguyên Trang đã luôn có những chuyến tìm về với ký ức. Nhưng sau năm tháng trưởng thành, những câu thơ đối diện với mình đã trở nên rõ ràng, mạnh mẽ: “Dù cho chiều xuống/ Dù mưa chân đồi/ Tôi về trú ngụ/ Trong tình riêng tôi…” (“Trong tình riêng tôi”).
Những chủ đề ký ức về mẹ về quê hương vẫn trở lại nhưng trong những chiều rung cảm mới.
“Đoản khúc dâng mẹ” thật nhiều day dứt và cảm động. Có những câu đọng lại ấm áp, mạnh mẽ lạ kỳ: “Mẹ dạy có khi một mình - phải cười/ Cầm lấy nỗi đau như ngọc mà chơi”. Tôi cũng thích những câu thơ về quê hương với những nét mới lạ, ấn tượng: “Tiếng kinh vọng từ căn nhà khói rạ/ Mưa bay trên vườn cũ hoa đào” (“Trở về”).
Có thể nói, người thơ nào cũng vậy, luôn tìm mình trong những day dứt về tình yêu về cái mất còn, về điều vĩnh cửu. Bạn đọc hẳn cũng có những khi đồng cảm với Trang: “Điều vừa nói ra quá khứ đã thành/ Sao mất một đời lặn lội đi tìm dấu vết” (“Dấu vết”). Và: “Ta biết mình còn nợ xa xưa/ Buồn không hết cơn mưa vui ngày không cạn đáy/ Ta mất người hay ta mất ta từ độ ấy/ Trong nắng tháng năm nhòe ướt nụ cười” (“Có thể một sáng nào ngủ dậy”).
Bình Nguyên Trang làm báo, nhiều năm giữ vị trí của người “gác cửa tòa soạn” nghĩa là buộc giữ cho mình sự tỉnh táo, chắc chắn. Nhưng giấu trong lòng vẫn là một người thơ với những cú chạm tinh tế vào những chuyển động tâm hồn. Như nhịp rung của một cánh bướm mùa thu! Chạm nhẹ thôi mà không khỏi day dứt và buốt nhói - những băn khoăn bản thể con người, những dự cảm về đời sống.
Thơ ca là thế, một đời sống được chưng cất qua tâm hồn nhà thơ, khiến cho ta sống chậm một chút, lắng xuống một chút và quay vào trong một chút. Và ngay cả khi nhiều trăn trở, thậm chí mất mát dữ dội, thơ vẫn khiến đời sống trở nên đáng sống vô cùng. “Đã khác xưa, là tôi của bây giờ/ Cả thương tích cũng nở hoa vì tôi biết/ Rằng hư ảo, mất còn và sự thật/ Cũng chập chờn như cánh bướm đêm thu” (“Nguyện cầu tháng Tám”).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.