Ngày 20/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức cuộc họp báo lớn đầu tiên kể từ khi trở lại Điện Cremli. Trong thời gian 4 giờ 30 phút, ông Putin đã trả lời 60 câu hỏi của các nhà báo.
liên quan đến tình hình nước Nga cũng như nhiều vấn đề thời sự quốc tế nóng bỏng.
Tổng thống Nga Vlađimia Putin - Ảnh: Reuters
Về tình hình nước Nga, Tổng thống Putin đánh giá tích cực những thành tựu kinh tế chính mà nước Nga đã gặt hái được trong năm 2012, đồng thời bày tỏ sự hài lòng đối với hoạt động của Chính phủ do Thủ tướng Dmitry Medvedevđứng đầu. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh Tổng thống và Chính phủ cần phải làm việc như một êkíp thống nhất và có chung những mục tiêu, nếu không sẽ không đem lại kết quả.
Tổng thống Putin đã thông báo một số kết quả chính của nền kinh tế nước Nga năm 2012, theo đó tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga 10 tháng đầu năm 2012 tăng 3,7%, thấp hơn một chút so với mức 4,3% trong năm 2011, tuy nhiên, đây là một kết quả tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay. Tỷ lệ thất nghiệp từ đầu năm tới nay đã giảm từ 6,6% xuống 5,4%. Trong khi đó, lạm phát lại tăng lên mức 6,3%, cao hơn một chút so với năm 2011.
Theo Tổng thống Putin, những nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ lạm phát và sụt giảm GDP của Nga năm 2012 là đà tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, suy thoái tại khu vực đồng ơrô và tình hình mất mùa ngũ cốc ở Nga. Tuy nhiên, dự trữ ngoại tệ của Nga trong 7 tháng đầu năm 2012 vẫn tăng từ 468 tỷ USD lên 527,3 tỷ USD. Thặng dư thương mại trong 10 tháng đầu năm 2012 đạt 164,6 tỷ USD và thặng dư thương mại cả năm 2012 ước đạt tương đương năm 2011 khoảng 198,2 tỷ USD. Quĩ dự trữ tăng từ 25,2 tỷ USD lên 61,4 tỷ USD. Theo ông Putin, có được thành tựu kinh tế này là nhờ chính phủ đã áp dụng một loạt biện pháp hợp lý.
Tổng thống Putin nhấn mạnh chính quyền cần phải quan tâm trước hết đến lĩnh vực xã hội và kịp thời điều chỉnh lương, trong đó có trợ cấp cho phụ nữ nuôi con nhỏ. Trong năm 2012, mức lương tháng trung bình của Nga tăng từ 23.400 rúp lên 27.600 rúp (1 USD = 30 rúp).
Đề cập vấn đề tham nhũng, nhà lãnh đạo Nga cho rằng tham nhũng là một trong những vấn nạn của nước Nga và hầu như tất cả các nước đang phát triển đều gặp phải. Theo ông Putin, cuộc chiến chống tham nhũng cần phải tiến hành liên tục và bền bỉ. Ông cam kết tiến hành điều tra một cách tỷ mỷ, khách quan đối với các đối tượng dính líu đến vụ tham nhũng tại Bộ Quốc phòng, cho dù đó là ai, đồng thời ủng hộ tăng cao hình phạt đối với các tội phạm tham nhũng.
Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố Nga sẽ biết ơn, thậm chí thưởng cho chính quyền các nước khác nếu họ giúp phát hiện các quan chức Nga tham nhũng có tài khoản, bất động sản và các tài sản có giá trị khác ở nước ngoài.
Cũng tại cuộc họp báo trên, Tổng thống Putin đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến phê phán sự thiếu dân chủ ở Nga và khẳng định dân chủ là sự thực thi luật pháp, chứ không phải là tình trạng vô chính phủ. Theo ông Putin, cạnh tranh chính trị ở Nga sẽ tăng lên nhờ có luật về đơn giản hóa thủ tục đăng ký các đảng phái chính trị đã được thông qua. Hiện có 40 đảng phái chính trị đã được đăng ký và không loại trừ con số này sẽ tăng mạnh trong tương lai. Ông Putin cũng khẳng định rằng ở Nga có hệ thống tòa án độc lập và Mátxcơva coi ổn định là điều kiện bắt buộc để phát triển đất nước.
Đề cập đến mối quan hệ Nga-Mỹ, Tổng thống Putin cho rằng mối quan hệ giữa hai nước bất đầu xấu đi kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh lật đổ cựu Tổng thống Irắc Xátđam Hútxen (Saddam Hussein) khiến cho nước này đến nay vẫn đang ở trong tình trạng hỗn loạn, chết chóc. Bên cạnh đó, lập trường của hai bên về vấn đề an ninh, trong đó có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
Theo ông Putin, kế hoạch này sẽ đe dọa làm vô hiệu hóa tiềm năng tên lửa-hạt nhân của Nga, do đó nếu Mátxcơva không có biện pháp đáp trả thì sự cân bằng chiến lược trên thế giới, vốn được hình thành từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sẽ bị phá hủy. Mátxcơva sẽ buộc phải đáp trả lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu nếu không đạt được thỏa thuận với các thành viên NATO về một văn bản pháp lý bảo đảm hệ thống phòng thủ này không chống lại Nga.
Ông Putin cũng bày tỏ ủng hộ dự thảo luật đang chờ quốc hội nước này phê chuẩn vào ngày 21/12, theo đó cấm người Mỹ nhận con nuôi là công dân Nga, nhằm trả đũa Đạo luật Magnisky của Oasinhtơn. Mặc dù, đang tồn tại nhiều bất đồng, song ông Putin khẳng định rằng Mátxcơva và Oasinhtơn không phải là kẻ thù của nhau.
Theo ông Putin, hai bên cần kiên trì tìm kiếm giải pháp thỏa hiệp để giải quyết những bất đồng hiện tại, đồng thời bày tỏ hy vọng những bất đồng này sẽ không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và cản trở phát triển mối quan hệ kinh tế song phương.
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang ở mức tốt đẹp nhất trong lịch sử. Còn đối với Nhật Bản, ông Putin cho biết Mátxcơva đã nhận được tín hiệu từ phía Tokio để ký kết một hiệp ước hòa bình và trông đợi một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với đất nước Mặt trời mọc.
Về vấn đề Xyri, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga không quan tâm đến số phận của chế độ Tổng thống Bashar al-Assad và cũng không quá bận tâm đến lợi ích của chính nước này trong khu vực, mà chỉ ủng hộ việc tìm kiếm giải pháp nhằm tránh để Xyri và khu vực lâm vào tình trạng tan rã và chiến tranh triền miên. Ông Putin cũng cho rằng việc thay đổi chính quyền tại Xyri bằng con đường quân sự sẽ không hiệu quả đối với chính người dân nước này và khu vực nói chung. Công việc nội bộ của nước này phải để chính người dân Xyri tự quyết định. Đề cập đến tình hình Libi, ông Putin nói rằng Nga sẽ không lặp lại sai lầm của Mỹ ở Libi dẫn tới việc các nhà ngoại giao của họ bị ám sát và gia tăng xung đột văn hóa và sắc tộc ở quốc gia này.
Trả lời câu hỏi về mối quan hệ với nước láng giềng Grudia, Tổng thống Putin khẳng định Mátxcơva sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Tbilixi. Ông nhấn mạnh rằng Nga không thể thay đổi quyết định công nhận độc lập của Nam Ôxêtia và Ápkhadia, song mong muốn bình thường hóa quan hệ với Grudia.
Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng lên tiếng bác bỏ tin nói rằng ông đang gặp các vấn đề về sức khỏe, khẳng định những tin đồn như vậy chỉ phục vụ lợi ích của các đối thủ chính trị, những người đang tìm cách gây nghi ngờ tính hợp pháp và hiệu quả của chính quyền hiện nay./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.