(HNMO) - Sáng 14-10, trong chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội (đơn vị bầu cử số 1, thành phố Hà Nội) đã tiếp xúc cử tri 3 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.
Cùng dự có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thiếu tướng, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Trung tướng Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng đã báo cáo nội dung dự kiến của Chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Dự kiến kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20-10-2020.
Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 20-10 đến sáng 27-10. Đại biểu Quốc hội ở địa phương sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương mình. Đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan trung ương tham dự tại Hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội. Đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại nhà Quốc hội từ ngày 2-11 đến 17-11.
Đáng lưu ý, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật, đồng thời xem xét, quyết định nhiều nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước...
Tiếp đó, đại biểu Trần Thị Phương Hoa, Bí thư Quận ủy Cầu Giấy báo cáo kết quả trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ tiếp xúc trước.
Phấn khởi trước thành công của Đại hội Đảng bộ thành phố
Tại buổi tiếp xúc, cử tri 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ bày tỏ sự phấn khởi trước thành công của Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, đã có 11 ý kiến và kiến nghị của cử tri phản ánh, kiến nghị liên quan đến các vấn đề kinh tế vĩ mô; công tác nhân sự; công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; công tác phòng, chống tham nhũng; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị…
Trong đó, cử tri quận Hoàn Kiếm kiến nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát, đánh giá cán bộ, nhất là đối với các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện đầy đủ quy định, khai báo trung thực về hồ sơ cá nhân; tăng cường công tác giám sát, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, triển khai các công trình lớn...
Cử tri quận Ba Đình bày tỏ nguyện vọng lớn nhất là Đảng, Nhà nước tiếp tục làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; hoàn thiện các văn bản pháp lý, quản lý đất nước bằng pháp luật…
Quan tâm đến vấn đề nhân sự, cử tri bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ gồm những đồng chí tiêu biểu cho toàn thể đảng viên, là những người lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới, đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thực sự đi vào cuộc sống…
Sau khi lắng nghe ý kiến cử tri, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã phát biểu bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới các cử tri đã quan tâm tới các vấn đề lớn của Thủ đô và đất nước, đồng thời làm rõ một số nội dung được cử tri đề cập.
Đồng chí Chu Ngọc Anh cho biết, quá trình chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố có sự tâm huyết, trách nhiệm của cả trung ương và địa phương. Tiêu biểu là việc Bộ Chính trị đồng ý cho thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Nhắc lại những kết luận của Trung ương về vấn đề này, đồng chí khẳng định, yêu cầu đặt ra là khi thí điểm mô hình này phải tăng cường sự giám sát thông qua HĐND - UBND cấp quận, thị xã và cấp thành phố. Ngoài ra, rất cần sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và báo chí…
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, tinh thần thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù và thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội cũng được đặt ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố ở khâu đột phá về thể chế, trong đó yêu cầu rất rõ là Luật Thủ đô cần sửa thế nào, sau đó là có chương trình hành động ra sao...
Ngay sau bế mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Thường trực Thành ủy đã họp để tiếp thu được trọn vẹn những gợi mở trí tuệ, tâm huyết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tại Đại hội. Đồng chí khẳng định, thành công của Đại hội cũng đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô những nhiệm vụ hết sức nặng nề, song, với quyết tâm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, thành phố sẽ từng bước giải quyết trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, trong nhiệm kỳ 2020-2025 có 6 huyện phấn đấu trở thành quận. Theo đó, cần có những giải pháp cụ thể sao cho phát triển đô thị của các quận mới phải gắn với quy hoạch; hay phát triển nông thôn phải gắn với phát triển kinh tế… Đối với việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thành phố sẽ nghiên cứu những giải pháp căn cơ, thiết thực và đồng bộ.
Nỗ lực để xứng đáng với vai trò, vị thế của Thủ đô
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc mừng thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, qua lắng nghe 11 ý kiến phát biểu tại cuộc tiếp xúc cho thấy các ý kiến ngắn gọn, súc tích, chân thành, tâm huyết, mang tính xây dựng và trách nhiệm đối với những vấn đề lớn của Thủ đô và đất nước.
Nhắc lại truyền thống anh hùng, bề dày lịch sử của Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội phải cố gắng để xứng đáng với vị thế đó. Nhấn mạnh nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa mới có nhiều gương mặt mới, có tính kế thừa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng Hà Nội sẽ có những bước phát triển mới tốt đẹp hơn nữa.
Khẳng định đất nước Việt Nam chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay, Hà Nội cũng chưa bao giờ có quy mô lớn thế này, dân số đông, tập trung những tinh hoa trí tuệ nhất của cả nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý thành phố cần nỗ lực để xứng đáng với vai trò, vị trí của mình, phải tiêu biểu cho cả nước, đồng thời để thế giới trông vào, các địa phương phải học tập.
Chia sẻ với những khó khăn trong công tác quản lý tại Hà Nội, nhất là các vấn đề về đô thị, đồng thời dẫn chứng các vấn đề ô nhiễm môi trường liên quan đến sông Tô Lịch và một số công việc giải quyết còn chậm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, cán bộ lãnh đạo Hà Nội phải có bản lĩnh, trí tuệ, phương pháp, đặc biệt là đoàn kết và phải huy động được sức dân.
Nhấn mạnh thành phố Hà Nội đã 3 lần được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được thế giới công nhận là “Thành phố Vì hòa bình”… thì công dân Thủ đô Hà Nội phải mẫu mực cho công dân cả nước về mọi phương diện; an ninh trật tự phải là hàng đầu, ổn định chính trị phải bảo đảm… Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị thành phố Hà Nội phải giáo dục, khích lệ, nêu cao tinh thần yêu nước, yêu Thủ đô, trách nhiệm với Thủ đô Hà Nội. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng phải làm gương, phải có trình độ để đóng góp với Quốc hội những ý kiến chất lượng.
Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định phải có nền, nền chính là nhân dân, là cử tri. “Sau thành công của Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, phải cùng nhau góp sức xây dựng Thủ đô sắp tới thực hiện tốt Nghị quyết của Đại hội. Đã nói là phải làm, đã đề ra là phải thực hiện và thực hiện một cách tốt đẹp để xứng đáng là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là trung tâm đầu não kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Nhất là nội bộ chúng ta phải đoàn kết thật tốt, tất cả là một khối trong gia đình xã hội chủ nghĩa Việt Nam", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.