Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống

Hà Hiền| 31/01/2016 07:17

(HNM) - Bất ngờ, thú vị là cảm nhận của người dân và du khách khi tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Bính Thân đang diễn ra tại nhiều địa điểm trên địa bàn Thủ đô.

Quảng bá nét đẹp truyền thống

Chương trình "Tết Việt" diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội từ ngày 29-1 đến 3-2 tái hiện một cách sinh động không gian Tết cổ truyền của dân tộc. Tại gian hàng đầu tiên, "ông đồ" Lại An Khánh nhiệt tình giải thích về ý nghĩa của nghệ thuật thư pháp, của việc xin chữ ngày Tết, treo câu đối Tết. Những người phụ trách các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm thiết yếu phục vụ người dân đón Tết. "Chúng tôi tham gia chương trình Tết Việt vì mục đích giới thiệu truyền thống làng nghề, về giá trị sản phẩm làng nghề là chính chứ không vì mục đích bán hàng thu lợi nên sẵn lòng giải đáp mọi câu hỏi của khách tham quan", người phụ trách gian hàng sản phẩm thêu tay Vân Sơn (Thường Tín, Hà Nội) cho biết. Trên các sân khấu, được bố trí xen kẽ với khu vực trưng bày, các nghệ sĩ, nghệ nhân liên tục trình diễn các chương trình văn hóa, nghệ thuật dân gian phục vụ nhân dân.

Nghệ thuật ca trù được tái hiện trong không gian văn hóa của chương trình “Tết Việt 2016”.


Tối 29-1, CLB Ca trù Hà Nội đã gửi tới công chúng những làn điệu ca trù cổ đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội như: "Thiết nhạc", "Chúc hỗ", "Mưỡu nói Hồ Tây", "Thăng Long thành hoài cổ"… Ngày 30-1, một lần nữa công chúng được biết đến loại hình nghệ thuật hát Trống quân mới được khôi phục sau nhiều năm thất truyền do các nghệ nhân do CLB hát Trống quân xã Hát Môn (Phúc Thọ) biểu diễn. Bà Lê Thị Thắm (71 tuổi), trú tại đường Miếu Đầm (Mễ Trì, Nam Từ Liêm) nói với chúng tôi: "Xem các hoạt động diễn ra sôi nổi, ý nghĩa trong chương trình Tết Việt, tôi lại nhớ ngày xưa. Ngày xưa chợ Tết không ăm ắp hàng hóa như bây giờ nhưng vui lắm. Đi chợ vừa để mua sắm, vừa để vui chơi. Tôi mong có nhiều chương trình Tết được tổ chức để thế hệ trẻ có thể cảm nhận rõ hơn về không khí và ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền".

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (19C, Hoàng Diệu, Ba Đình) cũng là điểm đến lý thú vào dịp Tết đến, Xuân về. Không khí Tết cổ truyền của dân tộc được tái hiện vô cùng chân thực giữa lòng khu di sản thế giới. Ấy là nếp nhà lá đơn sơ của những gia đình nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ với ngô, với lúa, với những khóm chuối quanh nhà… Dù khó khăn vất vả, các thành viên trong gia đình vẫn có cái Tết sum vầy bên nhau, vẫn thành kính dâng lên bàn thờ gia tiên những hoa thơm trái ngọt, cặp bánh chưng do chính con cháu làm ra. Ấy là những hàng nước nhỏ ven đường có cô thôn nữ dịu dàng mời khách; là những gánh hàng hoa kĩu kịt từ làng ra phố; là những gian trưng bày, triển lãm ảnh về những dòng tranh dân gian phục vụ Tết, về những phiên chợ ngày Tết… "Chúng em đã tìm hiểu về Tết cổ truyền qua sách báo, nhưng khi được tận mắt chứng kiến, mới hiểu thêm nhiều điều", em Phan Ngọc Anh sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ.

Như thường lệ, dịp này, BQL phố cổ Hà Nội đã giới thiệu tới người dân Thủ đô và du khách về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền thông qua chuỗi hoạt động trưng bày, triển lãm tại các địa chỉ văn hóa trong khu phố cổ như: Đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ)… Cách khu phố cổ Hà Nội không xa, đến với Hội xuân Bính Thân diễn ra từ ngày 21-1 đến 5-2 tại số 2, Hoa Lư (Hai Bà Trưng) do Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức, du khách vừa có cơ hội thưởng thức tiệc trà, các món ăn truyền thống, vừa được xem nghệ nhân trình diễn các công đoạn nấu rượu, thổi xôi, pha trà... để hiểu hơn về nét sinh hoạt văn hóa ngày Tết của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc...

Không gian Thư pháp tại lễ hội “Tết Việt 2016”.


Tìm về văn hóa cội nguồn

Mặc dù các chương trình đón Tết, vui Xuân được tổ chức cùng một thời điểm, có nhiều hoạt động giống nhau nhưng đều thu hút đông người tham gia. Điều đó phần nào cho thấy một bộ phận không nhỏ người dân Thủ đô hiện nay luôn có ý thức tìm về văn hóa cội nguồn.

Nhìn lượng khán giả kín sân khấu xem biểu diễn ca trù cổ tại Bảo tàng Hà Nội, NSƯT Bạch Vân, Chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội chia sẻ: "Từng có giai đoạn số người xem ca trù ít hơn số người biểu diễn; ca trù cổ thì càng hiếm người nghe. Đưa di sản đến gần công chúng, chúng tôi đã và đang nỗ lực hết sức mình. Nay thấy người dân mọi lứa tuổi chăm chú đón xem, chúng tôi như được tiếp thêm sức lực". Chung nỗi lòng, Nghệ nhân Ưu tú Ánh Tuyết cho hay: "Tôi ngạc nhiên khi thấy buổi nói chuyện về cách làm mâm cỗ Tết cổ truyền tại Bảo tàng Hà Nội vào chiều 30-1 đông người quan tâm đến vậy. Cuộc sống của người dân hôm nay khá đủ đầy, chỉ cần người dân quan tâm đến văn hóa nhiều hơn thì những yếu tố văn hóa truyền thống có thời bị lãng quên, có người từng lãng quên, sẽ trở lại".

Đau đáu với giấc mơ hồi sinh các dòng tranh dân gian, dịp này, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế (83 tuổi) của làng tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) không ngại tuổi cao, sức yếu, mưa rét di chuyển liên tục từ địa điểm này đến địa điểm khác để giới thiệu và trình diễn các công đoạn làm tranh dân gian. Nhà nghiên cứu Nguyễn Dương Hoàng (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) cho biết, sau triển lãm tranh dân gian với chủ đề "Sắc màu" tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, ông sẽ tiếp tục phối hợp với các nghệ nhân, với những người yêu văn hóa dân gian tìm hướng khôi phục dòng tranh Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội). "Dòng tranh Kim Hoàng hiện nay không còn một nghệ nhân nào theo nghề. Những bức tranh và bản khắc còn lại được lưu giữ trong các bảo tàng, trong các sưu tập tư nhân trong nước, nước ngoài, rất khó cho công tác nghiên cứu, phục hồi. Biết là việc khôi phục dòng tranh Kim Hoàng vô cùng khó khăn, nhưng đó là việc làm cần thiết để giữ gìn các giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến", ông Nguyễn Dương Hoàng nhấn mạnh.

Từ những hoạt động trên có thể cảm nhận: Nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam chắc chắn sẽ được giữ gìn, phát huy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.