(HNMO) - Chiều 28-8, tại trụ sở Báo Hànộimới, Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ thành phố Hà Nội) phối hợp với Báo Hànộimới tổ chức chương trình Tọa đàm - Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Góp sức xây dựng Thủ đô”. Các khách mời sẽ chia sẻ những câu chuyện, những việc làm bình dị mà ý nghĩa, giúp độc giả hiểu rõ hơn chân dung những người tốt xung quanh ta và ý nghĩa những việc làm mà họ đã, đang đem lại cho xã hội.
15:47 28/08/2020
Phát biểu kết thúc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lê Hoàng Anh cho biết, sau gần 3 tiếng đồng hồ, Tọa đàm - Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Góp sức xây dựng Thủ đô” với hàng chục ý kiến hỏi, đáp, chia sẻ từ các khách mời và khoảng 10.000 lượt truy cập vào Báo Hànộimới điện tử theo dõi đã cho thấy, những tấm gương người tốt, việc tốt luôn nhận được sự quan tâm, trân trọng rất lớn của cộng đồng.
Trong buổi tọa đàm - giao lưu hôm nay, 5 khách mời đã đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực, nhiều giải pháp hay để cuộc sống ngày càng tiến bộ, văn minh. Trong chương trình còn có sự góp mặt của hàng chục cơ quan báo chí trung ương và Hà Nội. Các đơn vị sẽ cùng Báo Hànộimới tuyên truyền về ý nghĩa của những việc làm tốt đẹp này để việc tốt tiếp tục sinh ra việc tốt, cái xấu bị đẩy lùi, từ đó làm nền tảng xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
15:46 28/08/2020
Ghi nhận thành tích và những việc làm tốt của các cá nhân, đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự đảng UBND thành phố và UBND thành phố đã ký Quyết định 3864/QĐ-UBND về việc tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2020 cho 4 cá nhân, gồm: Bà Hồ Thị Nguyệt - cán bộ hưu trí; thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ; em Nguyễn Phương Linh - học sinh lớp 5A3; Trường Tiểu học Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân; bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 5, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai và bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Tổ trưởng tổ dân phố số 2, khu dân cư số 2, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng.
15:45 28/08/2020
Độc giả Trần Thị Phượng (huyện Phúc Thọ) hỏi: "Cùng với việc làm giàu cho gia đình, bà đã chuyển giao kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm trồng những loại rau sạch vừa lạ mắt vừa có giá trị cao như: Su hào hoa, súp lơ hoa, mướp tròn… cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn. Xin bà nói thêm về những kỹ thuật canh tác mà bà đã chia sẻ cho những người nông dân quê hương mình như vậy?"
Bà Đặng Thị Cuối: Tôi từng ở nước ngoài, người nông dân ở nước ngoài có tư duy đoàn kết rất cao và họ phát huy được sức mạnh tập thể. Từ thực tế đã được chứng kiến, tôi sẵn sàng chia sẻ với những hộ nông dân có nhu cầu, dù kinh nghiệm của chúng tôi không có gì quá to tát.
Độc giả Đặng Thị Nga (huyện Thạch Thất) hỏi: "Vậy bà có mong muốn, đề xuất gì về việc được hỗ trợ nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp nhằm nhân rộng hơn nữa những mô hình nông nghiệp chất lượng cao?"
Bà Đặng Thị Cuối: Chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nguồn vốn vay để trồng thêm các loại hạt giống chất lượng, có giá trị cao để cung cấp cho nông dân có nhu cầu phát triển mô hình nông nghiệp sạch, chất lượng. Nếu được hỗ trợ nguồn vốn vay, tôi sẽ hỗ trợ bà con hạt giống và thu mua luôn những sản phẩm có được của họ, giúp bảo đảm đầu ra.
Đơn cử như cây hẹ, một mặt hàng được tiêu thụ rất tốt nhưng bà con hiện không dám trồng vì hạt giống khá đắt. Nếu có nguồn vốn để hỗ trợ hạt giống cho người nông dân, tôi tin tưởng rằng nhiều hộ nông dân sẽ có thêm cơ hội để phát triển loại rau này và có cơ hội làm ăn thoát nghèo.
15:34 28/08/2020
Nữ tỷ phú nông dân Đặng Thị Cuối (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) đã đầu tư xây dựng trang trại trồng rau sạch theo hướng hữu cơ với nhiều sản phẩm rau, củ chất lượng cao. “Cơ ngơi” của vợ chồng bà Cuối hiện có hơn 20 khu nhà màng, nhà lưới cùng hệ thống tưới nước tự động với kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Hầu hết sản phẩm của Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý được các đơn vị đặt hàng ngay từ vườn với giá thành ổn định. Không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, bà Cuối cùng chồng còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động, với mức thu nhập 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Chị Trịnh Thanh Huế (quận Hà Đông) hỏi: “Được biết, bà đã làm thuê ở những đồn điền trồng rau hữu cơ tại Đài Loan (Trung Quốc) trong 16 năm. Bà có thể chia sẻ quá trình bà làm việc và tích lũy kinh nghiệm trồng rau quý báu nơi xứ người để mang về phục vụ cho quê hương mình?”
Bà Đặng Thị Cuối: Trước đây tôi nghèo lắm nên sang Đài Loan xuất khẩu lao động mong thoát nghèo. Sang Đài Loan làm công nhân, tôi cũng được vào trang trại rau sạch và làm cho một công ty của Nhật trong 4 năm. Trong quá trình làm, tôi thấy sản xuất truyền thống của quê hương mình vất vả nhưng không đem lại lợi nhuận cao. Tôi tranh thủ học hỏi nhiều kinh nghiệm, chuẩn bị từ “cái đinh con ốc” để về Việt Nam trồng rau. Tôi về bàn với chồng nhưng ông xã tôi bảo: “Từ thượng cổ tới giờ tôi không thấy ai trồng rau mà giàu cả”. Tôi liền rủ cả ông xã sau đó đi theo sang Đài Loan để tiếp tục học hỏi. Sau 16 năm, chúng tôi tự cảm thấy đã “tốt nghiệp” và mong muốn trở về, tự làm mọi việc để trồng rau.
Hàng xóm xung quanh ban đầu đều nghi ngại chúng tôi sẽ thất bại. Lúc đầu, sản phẩm đầu ra đẹp nhưng bán không ai mua. Tôi đem rau ra chợ, ai chê thì tôi tặng, ai mua thì bán. Sau đó vườn rau của tôi trồng không đủ bán. Lãnh đạo huyện Đan Phượng “tiếp sức”, cho vay thêm kinh phí. Các cán bộ Phòng Kinh tế huyện giúp đỡ tận tình nên vườn rau càng ngày càng phát triển mạnh. Nhiều người từ khắp mọi miền đất nước về học hỏi. Ai về tôi cũng tư vấn tận tình, giúp đỡ, chia sẻ để tất cả cùng tiến bộ. Hiện tôi đã gây dựng được 9 mô hình và tiếp tục giúp đỡ tận tình tất cả mọi người.
15:31 28/08/2020
Chia sẻ thêm tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bích Hợp cho biết: Mặc dù mắc bệnh lý nền nhưng đợt dịch Covid-19 vừa qua, tôi vẫn tiếp tục đóng góp trong công tác phòng, chống dịch. Thực hiện giãn cách xã hội, tổ dân phố chúng tôi đông dân nên có rất nhiều việc phải làm, trong đó có dán pa-nô, áp phích để tuyên truyền. Bên cạnh việc này, chúng tôi còn chia quà cho các trường hợp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Có người hỏi tôi bị bệnh như vậy thì sau này có tiếp tục làm từ thiện không? Tôi khẳng định là vẫn làm. Dịp Tết Trung thu năm nay, tôi dự định sẽ tiếp tục vận động quyên góp cho các bệnh nhi ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Tôi hy vọng, cuộc giao lưu hôm nay là nguồn động viên tiếp cho tôi sức mạnh, niềm nhiệt huyết để đóng góp cho bà con ở khu dân cư và tiếp tục hành trình thiện nguyện, đồng thời mong nhận được sự đóng góp của bà con gần xa...
15:11 28/08/2020
Độc giả Trần Trung Kiên (quận Đống Đa) hỏi: Để điểm đen rác thải không “mọc” lại, đồng thời, động viên bà con cùng chung tay giữ vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan khu dân cư, xin bà chia sẻ quá trình vận động nhân dân cùng đây chung tay bảo vệ môi trường và sáng kiến của bà đã được người dân đồng tình, ủng hộ như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bích Hồng: Địa bàn nơi chúng tôi sinh sống là địa bàn giáp ranh các phường, các tổ dân phố. Khi chúng tôi dẹp được bãi rác khổng lồ nhiều người dân rất phấn khởi, nhưng sau đó nhiều người dân phản ánh, sau khi điểm đen rác cũ được dẹp thì nhiều điểm nhỏ lại mọc lên. Từ thực tế đó, chúng tôi đã vận dụng lời dạy của Bác Hồ: “Lấy dân làm gốc”, có đoàn kết mới thành công, chúng tôi đã vận động, tổ chức họp nhân dân.
Chúng tôi đề xuất muốn đường phố đẹp hơn, văn minh hơn, các tổ liên kết lại thành một tổ, thảo một nội quy không chồng chéo với nội quy các tổ dân phố. Mục tiêu là liên kết các hộ dân nơi đây thành một gia đình lớn, cùng chung tay bảo vệ môi trường. Các gia đình cũng tự nguyện lập một quỹ chung để duy trì tình làng, nghĩa xóm vốn là truyền thống quý báu của địa phương đã có từ xa xưa. Chúng tôi cũng lập nhóm Zalo để kết nối các gia đình, cùng tổ chức những hoạt động ý nghĩa để kết nối cộng đồng.
Độc giả Lê Ngọc Anh (quận Long Biên) hỏi: Hầu hết người Việt Nam đều quan niệm rằng, những người làm việc công ích là những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Xin hỏi bà đã vượt qua định kiến này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bích Hồng: Khi tôi làm công việc xã hội này, ban đầu chính chồng tôi cũng cho rằng tôi “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng tôi quan niệm làm việc nước vẫn chu toàn việc nhà. Trước khi tôi tham gia công tác xã hội tôi đều sắp xếp chu đáo mọi việc trong gia đình, chăm sóc chồng, con.
Sau khi xóa chân rác, khu dân cư chúng tôi lại đặt thêm chậu hoa, trang trí đèn lồng để khu phố chúng tôi ngày càng đẹp hơn. Nhớ lại buổi ban đầu xách rác về nhà, nhiều người dân rất ngạc nhiên với việc làm của tôi, nhưng lâu dần, chính những công nhân môi trường và người dân trong khu dân cư đã cùng tham gia nhổ cỏ, dọn bùn, góp sức, góp công giữ vệ sinh môi trường.
15:05 28/08/2020
Độc giả Nguyễn Hoàng Lan (quận Hoàn Kiếm) hỏi: "Bà có thể chia sẻ những nhọc nhằn trong quá trình xóa điểm đen rác thải tại khu dân cư?"
Bà Nguyễn Thị Bích Hồng: Với trách nhiệm Chi hội trưởng Phụ nữ và tổ phó tổ dân phố chúng tôi đã chịu đựng sự ô nhiễm của cống nước thải. Sau khi nhà nước làm đường, người dân rất phấn khởi. Nhưng một thời gian sau, những điểm đen rác thải là phế thải vật liệu xây dựng xuất hiện ngày càng nhiều, lâu dần chiếm hết mặt đường, kéo dài gần hết con đường gần hồ Đền Lừ, chỉ còn lại một xe máy đi vừa khiến người dân rất bức xúc.
Tháng 12-2016 quận tổ chức thu gom hơn 200 tấn rác. Chờ đến chuyến xe cuối cùng, tôi hô hào các chị em cùng ra mang cuốc xẻng, chất tẩy rửa quét dọn sạch sẽ điểm đen rác thải đã tồn tại nhiều năm.
Vì đây là địa bàn giáp ranh các phường và các tổ dân phố nên khó quản lý. Tôi đã đề xuất với đồng chí Bí thư Chi bộ khu dân cư sau khi dọn dẹp sạch sẽ số rác thải còn sót lại, xin 5 chậu cây to đặt tại chân rác từ đình làng khiến cảnh quan trở nên gọn gàng, sạch đẹp. Chúng tôi cũng tổ chức túc trực ở điểm đen rác thải này từ sáng sớm đến đêm khuya để nhắc nhở các vi phạm.
Những lúc mưa rét, tối tăm, việc giữ gìn cho điểm đen rác không tái diễn chúng tôi đã gặp không ít gian nan. Khi phát hiện người xả rác, tôi đã tìm đến tận nhà nhắc nhở, thuyết phục. Nhiều người dân cũng cùng giám sát, giúp chúng tôi làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Ban đầu, nhiều người cũng nghi ngại với việc làm của chúng tôi nhưng chính họ sau cũng đồng tình, ủng hộ.
14:57 28/08/2020
Bà Nguyễn Thị Bích Hồng (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 5, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) đã có nhiều đóng góp trong việc xóa điểm đen về rác của phường. Năm 2018 bà Hồng sáng kiến thành lập Tổ đoàn kết 729 trên cơ sở liên kết các hộ dân sinh sống hai bên ngõ thuộc hai phường Hoàng Văn Thụ và Mai Động, giúp tăng tình đoàn kết dân cư và giúp môi trường sống thêm trong lành. Những đóng góp của bà Hồng với cộng đồng đã được Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai ghi nhận, biểu dương, tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2018 và 2019.
14:56 28/08/2020
Chia sẻ tại tọa đàm, con trai bà Hồ Thị Nguyệt cho biết: Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm con của bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi sinh ra và lớn lên trong kháng chiến, chịu nhiều vất vả. Sau này đất nước hòa bình lại vất vả dạy dỗ 8 người con. Trong cuộc sống, bố mẹ tôi luôn dạy dỗ con cái biết trân quý giá trị cuộc sống hiện tại, luôn tự hào mình là công dân Thủ đô Hà Nội, để biết chia sẻ với người khó khăn hơn mình và tham gia công tác xã hội thường xuyên. Tôi luôn lấy bố mẹ là tấm gương sáng để noi theo.
Ở mọi lúc, mọi nơi, 8 anh em, đều là công chức nhà nước, luôn ý thức trong công việc hằng ngày phải tận tâm làm hết trách nhiệm. Với các phong trào ủng hộ, chúng tôi hưởng ứng tham gia, đồng hành cùng bố mẹ. Chúng tôi sẽ cống hiến hết sức và gương mẫu trong quá trình công tác và làm việc, giữ vững danh hiệu công dân Thủ đô.
14:51 28/08/2020
Bà Hồ Thị Nguyệt (thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ) đảm nhiệm chức vụ Chi hội trưởng Hội Phụ nữ cao tuổi kiêm tổ trưởng tổ thể dục dưỡng sinh thôn Bảo Lộc. Gia đình bà Nguyệt là tấm gương về tinh thần "tương thân, tương ái", hết lòng vì cộng đồng. Vợ chồng bà cùng 8 người con, mỗi người đã quyên góp 1 tháng lương (tổng trị giá 60,6 triệu đồng) cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở địa phương.
Gia đình bà cũng ủng hộ 4 chốt kiểm soát y tế của thôn Bảo Lộc toàn bộ khẩu trang, nước sát khuẩn phục vụ những người làm nhiệm vụ. Ngoài tham gia công việc xã hội, gia đình bà còn tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ kinh phí trùng tu các công trình di tích lịch sử, văn hóa của địa phương; đóng góp vào hoạt động khuyến học, khuyến tài của dòng họ và của thôn...
Bạn đọc Trần Văn Trung (quận Thanh Xuân) nêu câu hỏi: Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội vào đầu năm nay, ông bà đã trích lương hưu và vận động 8 người con ủng hộ 1 tháng lương với tổng số tiền 60,6 triệu đồng. Bà có thể kể rõ hơn về những việc làm đáng khích lệ của gia đình?
Bà Hồ Thị Nguyệt: Trong bối cảnh cả nước nỗ lực chống dịch, là một giáo viên về hưu, hằng ngày, qua các phương tiện truyền thông, tôi được biết là trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, y, bác sĩ, các lực lượng công an, quân đội rất vất vả. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân nỗ lực ngăn chặn, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Để chia sẻ những nỗ lực chống dịch, với trái tim chân thành, tôi đã bàn với chồng là mỗi thành viên trong gia đình ủng hộ 1 tháng lương để đóng góp phòng, chống dịch Covid-19.
Từ trước đến nay, ở địa phương có các công trình như đình, chùa, nhà văn hóa, trường học, cần tu sửa, gia đình tôi cũng luôn sẵn sàng ủng hộ. Trong đợt khuyến học năm 2010, gia đình chúng tôi cũng ủng hộ 20 triệu đồng để làm quỹ ban đầu để động viên các cháu học sinh học giỏi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.