(HNM) - Ba tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp đã núp dưới bóng quân đội Anh quay trở lại xâm lược đất nước ta. 6.000 quân Pháp với sự hà hơi, tiếp sức của hơn 10.000 quân Anh trắng trợn gây hấn ở TP Sài Gòn. Ngày 23-9-1945 - Nam Bộ kháng chiến đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc.
Sáng 23-9-1945, Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ họp khẩn cấp ở phố Cây Mai (Chợ Lớn), phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến, Ủy ban Kháng chiến được thành lập. Chiều cùng ngày, cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, các ụ chiến đấu hình thành khắp nơi trong thành phố. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng dậy, tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn rung động cả nước.
Ngày 24-9-1945, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu nhân dân cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta; đồng thời chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, nhiều tỉnh ở Nam Bộ đã nhanh chóng gửi lực lượng đoàn viên, thanh niên, tự vệ xung kích… về thành phố góp sức với nhân dân Sài Gòn. Thanh niên khắp mọi miền nô nức tòng quân, các đoàn quân Nam tiến được thành lập, gấp rút lên đường. Cả dân tộc sôi sục quyết tâm chống thực dân Pháp xâm lược bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
"Gậy tầm vông đánh tan quân bạo tàn", với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất, nhân dân miền Nam đã dũng cảm chiến đấu với kẻ thù được trang bị vũ khí hiện đại. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những ngày đầu ở Nam Bộ đã đánh đòn đầu tiên và mạnh mẽ vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, tiêu hao sinh lực địch, kìm chân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian, góp phần giữ vững chính quyền non trẻ của nhân dân. Tháng 2-1946, thay mặt Chính phủ và đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: Thành đồng Tổ quốc. Xứng danh Thành đồng Tổ quốc, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng bào miền Nam đã cùng nhân dân cả nước lập nên những chiến công chói lọi, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Miền Nam, thu giang sơn về một mối, đem lại hòa bình, độc lập cho dân tộc.
Trong công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước ta khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, tiềm lực mọi mặt của quốc gia được tăng cường, vị thế và uy tín của đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới vẫn tồn tại. Những biểu hiện xa rời lý tưởng, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hết sức phức tạp. Tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường, mặc dù hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ yếu...
Cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi những nỗ lực nhiều hơn nữa của toàn dân tộc để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bài học về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, kinh nghiệm khơi dậy tinh thần đoàn kết gắn bó toàn dân tộc, vượt mọi nguy nan thử thách trong những ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại và ngày càng sáng rõ ý nghĩa lịch sử.
Trang lịch sử hào hùng của những ngày Nam Bộ kháng chiến là nguồn cổ vũ lớn lao, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy toàn dân tộc vươn lên, đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đồng tâm, đồng sức lao động và sáng tạo để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.