(HNMO) -Tính đến ngày 22/9, tín dụng tăng trưởng 10,64% so với 31/12/2015; trong đó tăng chủ yếu ở tín dụng nội tệ.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra ngày 6/10, đây là năm thứ hai liên tiếp tín dụng có mức tăng trưởng dương và tăng đều ngay từ đầu năm; trong đó tăng chủ yếu ở tín dụng nội tệ (11,65%), tín dụng ngoại tệ tăng 1,62%, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ.
Dự kiến trong các tháng cuối năm 2016, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm ổn định lạm phát, thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 từ 18-20%, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tín dụng nội tệ tăng 11,65% (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Về tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), hiện NHCSXH đang thực hiện 22 chương trình tín dụng đối với người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến ngày 31/8/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH tăng 5,7% so với 31/12/2015, với hơn 8,4 triệu khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ 0,44% trên tổng dư nợ.
Dư nợ tập trung ở một số chương trình: Cho vay hộ nghèo đạt 37.661 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 24,9% tổng dư nợ); cho vay hộ cận nghèo đạt 29.381 tỷ đồng (chiếm 19,5% tổng dư nợ); cho vay học sinh, sinh viên đạt 20.316 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 13,4% tổng dư nợ); Cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 15.664 tỷ đồng (chiếm 10,3% tổng dư nợ); Cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đạt 22.690 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 15% tổng dư nợ); Cho vay hộ mới thoát nghèo tuy mới triển khai từ 5/9/2015 nhưng dư nợ đã đạt 9.036 tỷ đồng (chiếm 6% tổng dư nợ).
Về kết quả thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, tại Tây Bắc, tính đến 31/8/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Bắc đạt 26.506 tỷ đồng, tăng 8,58% so với 31/12/2015, với hơn 1,2 triệu khách hàng còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,25% tổng dư nợ.
Ở Tây Nguyên, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nguyên đến 31/8/2016 đạt 13.009 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2015 với 666.406 hộ còn dư nợ tính theo từng chương trình. Tỷ lệ nợ quá hạn là 0,38%.
Tại Tây Nam Bộ, đến 31/8/2016, tổng dư nợ tín dụng chính sách vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 26.550 tỷ đồng, tăng 5,1% so với 31/12/2015, với hơn 2 triệu khách hàng còn dư nợ, nợ quá hạn chiếm tỷ trọng 1,03%/tổng dư nợ.
Thông qua việc tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.