Góc nhìn

“Làm chủ” thẻ tín dụng

Gia Khánh 20/03/2024 - 06:47

Tuần qua, câu chuyện một chủ thẻ tín dụng chậm thanh toán hơn 8 triệu đồng, sau 11 năm bị ngân hàng thông báo thu hồi cả gốc lẫn lãi hơn 8 tỷ đồng đã thu hút sự chú ý của dư luận. Thực hư, đúng sai thế nào, cơ quan chức năng đang kiểm tra. Song câu chuyện cho thấy cần phải hiểu cho đúng và sử dụng hợp lý thẻ tín dụng.

Đến nay, thẻ tín dụng không còn xa lạ với người dân. Trước hết, đó là phương tiện thanh toán thuận tiện và an toàn. Chủ thẻ có thể dễ dàng sử dụng một khoản tiền do ngân hàng cấp để chi tiêu trước. Thực chất đây là một khoản vay. Khoản tiền này sẽ được trả lại ngân hàng một lần, hoặc trả thành từng lần nhỏ để giảm bớt gánh nặng tài chính cho chủ thẻ trong ngắn hạn.

Đương nhiên, với tính chất chi tiêu trước, trả nợ sau nên người dùng phải trả lãi cho khoản vay này. Thường trong thời hạn ngắn, nếu trả ngay một lần khoản chi tiêu, ngân hàng không tính lãi. Nhưng nếu quá thời hạn, khoản lãi phải trả khá cao, hơn nhiều lần vay tín dụng thông thường, kèm theo các điều khoản phạt trả chậm, tính lãi gộp… Vì vậy, nếu trả không đúng hạn, khoản nợ sẽ tăng lên rất nhanh. Người viết đã từng sử dụng thẻ tín dụng của một ngân hàng nước ngoài xin không nêu tên. Khi thanh toán, chỉ vì chủ quan không tính đến số lẻ (hơn 1.000 đồng) mà bị tính là chậm trả và chịu phạt 200.000 đồng. Vì vậy, trước khi quyết định mở thẻ tín dụng, chủ thẻ cần nắm rõ các quy tắc này.

Tất nhiên, ngân hàng phát hành thẻ cũng phải thông tin rõ quy định lãi suất, phí thường niên, phí phạt…; khuyến cáo khách hàng rủi ro tài chính, pháp lý phát sinh nếu chậm, hay không thanh toán khoản nợ thẻ tín dụng đúng hạn. Cả khách hàng và ngân hàng nên dành thời gian làm rõ các điều khoản trong hợp đồng mở thẻ. Đặc biệt, phía ngân hàng cần giải thích rõ các từ ngữ chuyên ngành liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, mà phía khách hàng không phải ai cũng hiểu. Mặt khác, khi phát sinh nợ, ngân hàng phải nhắc nợ, đốc thúc khách hàng thanh toán và áp dụng biện pháp thu hồi ngay, không nên để nợ quá lâu.

Đáng lưu ý, thẻ tín dụng rất dễ trở thành “bẫy nợ” khi người sử dụng thẻ tín dụng có xu hướng chi tiêu vượt mức thu nhập và khả năng chi trả. Khi mất khả năng chi trả, khoản nợ ngày càng lớn sẽ dẫn đến rắc rối pháp lý hoặc buộc chủ thẻ phải tìm các khoản vay nợ khác để giải quyết. Do đó, một nguyên tắc rất quan trọng là các chủ thẻ phải luôn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng thẻ tín dụng. Tốt nhất là nên xây dựng kế hoạch tài chính cụ thể và chỉ sử dụng thẻ trong tình huống khẩn cấp.

Câu chuyện nợ hơn 8 triệu đồng nhận thông báo thu nợ 8 tỷ đồng sau 11 năm cũng cho thấy những bất cập về quy định. Thông thường các ngân hàng tính lãi trên nợ gốc, không tính lãi cả khoản lãi nhập gốc, song cũng có những khoản nợ phát sinh trước khi có quy định nên cách xử lý tùy thuộc vào việc vận dụng của ngân hàng. Vì thế, cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định chưa hợp lý, để bảo đảm sự rõ ràng, công khai, minh bạch trong tính lãi suất khoản nợ thẻ tín dụng, sao cho khách hàng dễ hiểu, ngân hàng dễ thực thi thống nhất. Khoản nợ phát sinh nên được khoanh lại sau thời hạn nhất định, để bảo đảm nợ gốc, nợ lãi hợp lý, khách hàng có thể thanh toán, tránh vượt khả năng chi trả thực tế.

Thẻ tín dụng là hình thức thanh toán phổ biến và tiện lợi, song để tránh rắc rối, chủ thẻ phải nắm rõ quy định và luôn có kế hoạch tài chính chủ động, không nên lệ thuộc vào thẻ tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Làm chủ” thẻ tín dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.