Tài chính

Cấp thiết xây dựng khung pháp lý cho tiền ảo

Hà Phong 07/05/2024 15:24

Là nước có lượng người nắm giữ tiền ảo, giao dịch tiền mã hóa đứng tốp đầu thế giới, tuy nhiên, tại Việt Nam, do tiền mã hóa chưa được coi là một loại tài sản, cơ quan quản lý cũng chưa có quy định cụ thể nên những giao dịch tiền ảo đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.... Vì vậy, việc xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh để quản lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này là rất cấp thiết.

img_20240507_124812.jpg
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Cao Đăng Vinh nêu quan điểm về tiền ảo. Ảnh: Hải Hà

Quản lý tiền mã hóa là nhiệm vụ cấp bách

Theo báo cáo của Crypto Crunch App (một ứng dụng tại Mỹ, chuyên thu thập thông tin về các loại tiền số), Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng về lượng người nắm giữ tiền ảo trên thế giới, với hơn 1/4 dân số sở hữu tiền ảo (hơn 26 triệu người), cao hơn cả Trung Quốc (chỉ có 19,9 triệu người sở hữu). Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm nước dẫn đầu về khối lượng giao dịch tiền mã hóa (đứng trong tốp 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn Binance). Tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về là hàng chục tỷ USD.

Dựa trên 1.200 mẫu khảo sát vừa thực hiện, Coin98 Insights (đơn vị thực hiện khảo sát về thị trường tiền số Việt Nam) cho biết, có 64% nhà đầu tư tiền số ở Việt Nam không có lãi. Đặc biệt, gần 44% nhà đầu tư tiền kỹ thuật số thua lỗ trong năm 2023. Các lý do khiến nhà đầu tư thua lỗ gồm: Không có kế hoạch giao dịch kỹ lưỡng, không phản ứng kịp trước những sự kiện bất ngờ của thị trường, dùng đòn bẩy không hợp lý… Chưa kể, nhiều đối tượng “vẽ” ra dự án đầu tư tiền ảo để thu hút nhà đầu tư. Sau thời gian nhất định, đồng tiền ảo biến mất, nhà đầu tư cầu cứu khắp nơi nhưng không đòi được tiền.

Thực tế, việc chơi tiền ảo cũng xảy ra nhiều hệ lụy. Gần đây nhất, khi đầu tư vào tiền điện tử thua lỗ, Trần Minh Nhi - quản lý Siêu thị Điện máy xanh chi nhánh xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cùng trợ lý đã tạo nhiều giao dịch để chiếm đoạt gần 400 triệu đồng của Công ty cổ phần Thế giới di động.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho hay, có nhiều giao dịch tiền ảo vẫn được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng. Đây là các giao dịch đáng ngờ cần được báo cáo, song do chưa có hành lang pháp lý nên các giao dịch này là thỏa thuận dân sự, ngân hàng không thể can thiệp.

"Giám sát, quản lý tiền mã hóa là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay, mà muốn quản lý được dòng tiền này thì trước hết phải có khung khổ pháp lý”, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý

Theo nhìn nhận của Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung, tổng giá trị tài sản ảo dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỷ USD vào năm 2030. Tài sản ảo là xu thế chung không thể đảo ngược của thế giới, đòi hỏi phải có khung pháp lý để quản lý. Hiện, nhiều quốc gia đã xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý cho tài sản số nói chung, tài sản ảo, tiền ảo nói riêng.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Cao Đăng Vinh cho rằng, trên thế giới vẫn còn nhiều khái niệm khác nhau về tài sản ảo, tiền kỹ thuật số, tiền mã hóa. Các nước có cách tiếp cận cũng khác nhau. Đơn cử, Mỹ không ban hành khung pháp lý riêng cho tiền ảo, tài sản ảo mà dùng các luật chuyên ngành điều chỉnh.

Còn tại Việt Nam, hiện các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến nhưng chúng ta chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo, tài sản ảo. Các giao dịch mua bán, trao đổi tài sản ảo tại Việt Nam hiện được thực hiện qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền.

Cũng theo ông Cao Đăng Vinh, tiền ảo, tài sản ảo không bị cấm tại Việt Nam nhưng cần xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý, phòng ngừa rủi ro. Quốc hội từng đề nghị Chính phủ sớm xây dựng hành lang pháp lý về loại tài sản mới này. Vào tháng 2-2024, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để quản lý tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5-2025.

Đồng quan điểm, luật gia Lê Quang Vững phân tích, thực tế Việt Nam có số người sở hữu tiền số khá cao cho thấy tốc độ áp dụng tiền điện tử nhanh chóng ở nước ta phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Việc công nhận tiền ảo, từ đó ban hành hệ thống pháp luật toàn diện để điều chỉnh là hướng đi phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, cũng như bắt kịp xu thế chung của thế giới; tạo cơ sở vững chắc cho việc quản lý hoạt động giao dịch, môi giới, huy động vốn bằng việc phát hành tiền ảo, thu thuế đối với các thu nhập từ hoạt động liên quan đến tiền ảo... Đồng thời, một hành lang pháp lý đầy đủ sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý tốt hơn, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi trái pháp luật thông qua sử dụng tiền ảo như rửa tiền, tẩu tán tài sản...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp thiết xây dựng khung pháp lý cho tiền ảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.