(HNM) - Sự kiện Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài cách nay 30 năm đã mở đường, tạo dấu ấn nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hôm nay của Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 30 năm, Việt Nam đã có chiến lược phù hợp để trở thành một điểm đến hấp dẫn của FDI. Đặc biệt, việc thu hút đầu tư nước ngoài luôn song hành với sự nghiệp Đổi mới, cụ thể hóa sinh động chủ trương “mở cửa” của đất nước; qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ chỗ như "vùng trắng" về đầu tư nước ngoài, đến nay, đã có tới 26.500 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 334 tỷ USD, tổng vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Nếu như lúc đầu, việc thu hút những dự án vài triệu USD đã được coi là thành công thì nay, danh sách dự án tỷ USD không còn hiếm, điển hình như ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương...
Những con số FDI đạt được là nguồn lực quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời mang lại nhiều đổi thay cho xã hội. Hợp tác đầu tư nước ngoài đã mang tính chủ động, bình đẳng và được chọn lựa kỹ càng.
Điều đáng mừng nữa là nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã gắn bó và đồng hành, coi Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của họ.
Vậy tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại tin tưởng lựa chọn Việt Nam?
Đó là sự ổn định về chính trị, nhất quán về chủ trương, chính sách và quan trọng là một tinh thần cầu thị, quyết liệt cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ và các địa phương.
Tiếp nối thành quả, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những điểm còn tồn tại để khắc phục, tạo đà cho những năm tiếp theo. Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đã xác định rõ định hướng hoàn thiện chính sách về FDI: “Rà soát, sửa đổi pháp luật, chính sách để thu hút mạnh FDI, nhất là các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa cao, tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế".
Theo đó, phải xác định rõ mục tiêu thu hút, sử dụng vốn FDI đi vào thực chất hơn, cả về số lượng và chất lượng, theo cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó chú trọng chiều sâu, bảo đảm phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới, sáng tạo...
Đó cũng là tăng cường sự tương tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Qua đó thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển, vững tin tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.
Việc các bộ, ngành tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng là dư địa quan trọng cho khối FDI và doanh nghiệp trong nước phát triển. Đồng thời, tận dụng lợi thế của Việt Nam trong thị trường ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do tạo ra để thu hút FDI.
Trong bối cảnh nền kinh tế với độ mở ngày càng cao như Việt Nam, cần tiếp tục giữ vững nền móng ổn định, đó có thể là tỷ giá hối đoái, hạ tầng pháp lý, lạm phát, lãi suất... Trong khi đó, ở mỗi địa phương, cần có tầm nhìn và định hướng dài hạn để tạo sự tin tưởng nơi nhà đầu tư nước ngoài. Việc thu hút FDI phải phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch từng địa phương trong mối liên kết vùng, bảo đảm hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường.
Con đường mang tên FDI dẫu còn không ít thách thức ở phía trước, nhưng những thành quả của 30 năm qua là động lực quan trọng để chúng ta bước tiếp hành trình đến thành công mới to lớn hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.