Kinh tế

Triển vọng kinh tế năm 2024: Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng

Hồng Sơn thực hiện 29/12/2023 - 16:53

Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về các nội dung tổng kết năm 2023 cũng như dự báo năm 2024…

1-ba-huong.jpeg
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương.

- Bà có đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế năm 2023, thưa bà?

- Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế - xã hội duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Tính chung cả năm 2023, GDP tăng 5,05% so với năm trước. Kết quả tuy còn khiêm tốn, nhưng đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều bất lợi.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá do ứng dụng mô hình công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Cùng với đó, sản xuất công nghiệp các tháng trong năm 2023 diễn biến theo xu hướng tích cực, nhất là vào các tháng cuối năm. Hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động và duy trì mức tăng cao so với năm trước. Khách quốc tế đến nước ta năm 2023 tăng cao nhờ triển khai hiệu quả chiến lược marketing và các đề án phát triển du lịch.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang suy giảm. Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25%, thấp hơn mục tiêu 4,5% của cả năm 2023.

- Theo bà, những hạn chế trong năm nay là gì?

- Nền kinh tế còn những hạn chế, tồn tại như: Sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm chủ yếu do thiếu đơn hàng sản xuất. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2023.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023 giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 4,4% trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm, dẫn tới các đơn hàng xuất khẩu giảm.

Không những thế, doanh nghiệp thành lập mới còn nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 giảm 4,4% so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 chỉ đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 10,8% so với năm 2022.

- Về điều hành vĩ mô trước thực tế nói trên, bà có đánh giá như thế nào, thưa bà?

- Điểm nhấn nổi bật là sự chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu năm. Đó là, triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nhiều giải pháp được triển khai như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 1-1-2024 đến hết 30-6-2024 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%). Giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp…

Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác đã kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

hang-tet.jpg
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trong năm 2023 là động lực cho nền kinh tế.

- Tình hình năm 2024 vẫn khó lường, vậy bà có thể nhận định các động lực phát triển kinh tế năm tới là gì?

- Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trong nước, tuy thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen nhưng động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng nên năm 2024, dự báo kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Theo tôi, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024 bao gồm: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tiếp đà tăng trưởng tích cực trong năm 2023. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tiếp tục ổn định, giá sản phẩm lương thực tăng sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư công, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng. Thu hút FDI được dự báo tiếp tục là điểm sáng, Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của dòng vốn FDI. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, từ đó tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác.

Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như vận tải hàng không, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch... Lạm phát sẽ được kiểm soát chặt chẽ, ở mức hợp lý, sẽ hỗ trợ tích cực cho tiêu dùng trong nước.

- Xin bà cho biết những giải pháp để thực hiện thành công các mục tiêu năm 2024?

- Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, tạo niềm tin cho nhà đầu tư; kiểm soát tốt lạm phát.

Cùng với đó, phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa (hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như giãn, hoãn, giảm thuế…); chính sách tiền tệ (cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn.

Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh.

Cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm những thị trường mới; tận dụng tốt các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng.

Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có sản phẩm đặc thù, lợi thế.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng kinh tế năm 2024: Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.